Với những ngọn núi hùng vĩ cùng đại dương trong xanh, hòn đảo này có nhiều điều thú vị để du khách khám phá.
Đảo Sado nằm ở thành phố Sado, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Theo Kojiki (Cổ ký sự) – biên niên sử xuất hiện sớm nhất của Nhật Bản, Sado là hòn đảo thứ 7 do 2 vị thần Izanagi và Izanami tạo nên. Theo những tài liệu khảo cổ, đảo Sado đã có người sinh sống cách đây khoảng 10.000 năm.
Đây là một trong những hòn đảo dễ tiếp cận nhất từ Tokyo. Với diện tích khoảng 855km2, đảo Sado còn là một trong những hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản.
Nơi này từng phát hiện được mỏ vàng vào năm 1601. Theo bà Ishikawa Kimiko, Phòng xúc tiến Di sản thế giới, TP. Sado, 41 tấn vàng đã được khai thác tại mỏ vàng Sado, người ta cho rằng, nơi này đã từng chiếm tới 20% sản lượng vàng trên toàn thế giới.
Các kỹ sư, kỹ thuật viên, thợ mộc và thợ mỏ từ khắp nơi trên đất nước từng đổ xô đến hòn đảo này trong “cơn sốt” vàng ở Nhật Bản. Để hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác, các thương gia, thương nhân, ngư dân và các quan chức cũng đã hỗ trợ, chẳng bao lâu, nơi từng là một hòn đảo xa xôi hẻo lánh đã trở thành tâm điểm của hoạt động khai thác vàng bạc.
Tới năm 1896, mỏ Sado được bán cho tư nhân, nhưng do lợi nhuận giảm nên việc khai thác vàng bị dừng lại. Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến II nổ ra, nơi này tiếp tục được sử dụng như một mỏ khai thác vật tư cho chiến tranh như đồng, sắt, kẽm.
Đến năm 1952, hầu hết các mỏ vàng đã bị bỏ hoang và chỉ còn khoảng 10% tổng số nhân viên khai thác còn lại trên đảo. Năm 1989, mỏ vàng cuối cùng đã bị đóng cửa hoàn toàn và hòn đảo này dần chuyển hướng sang ngành du lịch.
Nhật Bản đã từng xúc tiến đề cử mỏ vàng Sado trở thành Di sản thế giới, nhưng chỉ giới hạn thời gian lịch sử là thời kỳ Edo, nêu bật giá trị rằng đây là nơi sản xuất ra vàng chất lượng cao với công nghệ độc đáo từ đầu thế kỷ XVII.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ quyết định của Nhật Bản với lý do người Hàn Quốc bị ép buộc phải làm việc trong các hầm mỏ vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945.
Hàn Quốc còn dẫn chứng tư liệu phỏng đoán Nhật Bản từng huy động khoảng 2.300 người lao động Joseon làm việc tại mỏ Sado. Theo đó, từ tháng 2/1940 tới tháng 3/1942, số lao động người Joseon bị cưỡng ép làm việc tại mỏ Sado là 1.519 người. Dữ liệu từ tháng 4/1942 tới tháng 3/1944 bị thiếu, nhưng nếu dựa trên thời gian làm việc bình quân và xu hướng bố trí lao động mới, thì ước tính có khoảng 2.379 người Joseon đã bị cưỡng ép lao động tại đây.
Đặc biệt, theo số liệu tháng 5/1943, có 709 lao động người Nhật và 584 lao động người Joseon làm việc tại mỏ Sado, tỷ lệ lao động người Joseon chiếm hơn 45%. Trong đó, người Joseon được bố trí làm các công việc nguy hiểm trong đường hầm, như vận chuyển, đào đất đá. Sự phân biệt đối xử này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới một số vụ tranh chấp lao động.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ lập trường thất vọng sâu sắc và phản đối về việc Tokyo quyết định xúc tiến đăng ký mỏ Sado trở thành Di sản thế giới, quay lưng lại với lịch sử cưỡng ép lao động người Hàn trong thời chiến đầy đau thương tại nơi này.
Hiện tại, mỏ Sado được chỉ định là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản. Tại khu mỏ này có tuyến du lịch tái hiện lại quang cảnh khai thác quặng trong một đoạn đường hầm dài 300m trên tổng chiều dài các đường hầm là 400km, bố trí các bức tượng mô phỏng lao động khai thác quặng. Tại khu làng gần đó cũng có nhiều di tích đa dạng giúp khách tham quan có thể hiểu được cuộc sống sinh hoạt thời kỳ đó.