Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản “hỏa tốc” gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để phản hồi ý kiến liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật.
Theo đó, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến quan ngại đối với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở 2014 "cần được quan tâm xem xét, lý giải thật thấu đáo" nên phía hiệp hội lập tức phản hồi.
Cụ thể, trước các quan ngại liên quan đến việc chuyển đổi đất không qua đấu giá sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp thâu tóm đất đai của các đại biểu, HoREA nhận thấy, doanh nghiệp muốn đi mua đất nông nghiệp thì phải "có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và đất nông nghiệp đó phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và không thuộc trường hợp bị thu hồi đất. Đồng thời, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
Sau khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo quy định tại Điều 112 Luật đất đai 2013.
"Nếu các địa phương thực thi pháp luật về đất đai chặt chẽ, nghiêm túc thì sẽ không xảy ra chuyện doanh nghiệp đi gom đất nông nghiệp, thâu tóm đất nông nghiệp quy mô lớn", ông Châu nhấn mạnh.
Đối với nhận định về sự không công bằng giữa quyền chuyển đổi đất của doanh nghiệp và người dân khi người dân muốn chuyển quyền sử dụng sang đất ở thì phải thông qua đấu giá, trong khi nếu sửa điều luật này thì doanh nghiệp lại không cần khâu này nữa, HoREA cho rằng ý kiến này "chưa thật chính xác".
Chủ tịch HoREA phân tích, Điều 118 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể 8 trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, 9 trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất và không quy định "người dân muốn chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phải thông qua đấu giá" như ý kiến quan ngại của đại biểu Quốc hội.
Trước vấn đề đại biểu đặt ra là có hay không có "lợi ích nhóm" hoặc khả năng xảy ra "trục lợi chính sách" trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở, Chủ tịch HoREA cho hay: "Hiệp hội nhận thấy, không có lợi ích nhóm, hoặc không có khả năng xảy ra "trục lợi chính sách" trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở 2014, bởi lẽ việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở 2014 là nhằm để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, tính hệ thống của các quy định pháp luật".
Theo Chủ tịch HoREA, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng, hoàn thiện các phương pháp định giá đất để xác định "giá đất cụ thể" để làm căn cứ tính "tiền sử dụng đất, tiền thuê đất", hoặc để xác định "giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất", đảm bảo nguyên tắc việc định giá đất "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" để đảm bảo không thất thu ngân sách nhà nước, không thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai...
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị nhiều vấn đề, giải trình thêm các ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu và đề xuất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở 2014.