Hiện 300.000 tấn thanh long đang vào vụ nhưng chưa có hướng đầu ra cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển dịch thị trường xuất khẩu.
Hiện 300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch và chưa có hướng đầu ra cụ thể. Bên cạnh việc xuất khẩu thanh long bằng nhiều phương thức như đường bộ, đường biển, đường sắt, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển dịch thị trường xuất khẩu.
Nhu cầu thanh long trên thị trường rất lớn
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" diễn ra sáng ngày 6/1, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua từ mức 5,1 tỷ USD (năm 2016) lên 11,2 tỷ USD (năm 2021), dự kiến năm 2022 vượt 13 tỷ USD…
Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020 - 2021 là 1,350 tỷ USD, nhập khẩu 3,159 tỷ USD.
Tại Ấn Độ, nhu cầu về thanh long rất lớn, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019 - 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020 - 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch COVID-19.
Để mở rộng thị trường cho nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với Bộ, ngành của nước đối tác; tổ chức các kỳ họp, tiểu ban, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây…
Đối với hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại, cần phối hợp với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, đại diện thương mại xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam đánh giá, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở EU và thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan. Theo ông Như Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại EU. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.
Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào EU. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.
Ông Như Nguyễn cho rằng, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý một số cách chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.
Cần giải quyết từ gốc vấn đề
Hiện, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng không phân bố đều. Trong đó, 60% sản lượng tập trung vào quý I và quý IV. Mặc dù được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thanh long trong thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận - cho biết, dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn. Do đó, bên cạnh việc kiến nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ đầu ra trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Trịnh Quốc Dũng cũng kiến nghị xúc tiến mạnh hơn ở các thị trường khác như Ấn Độ đồng thời xúc tiến thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”.
Ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Huy, hiện nay việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng Việt Nam cần lưu ý, để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng được.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - nhận định, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.
Do đó, các doanh nghiệp nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất;…
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, thanh long vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
"Cần một diễn đàn riêng để tìm đường hướng giải quyết căn cơ cho thanh long Việt Nam", ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - khuyến nghị và cho biết, về phía Cục cam kết quản lý chặt chẽ vùng trồng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của các nước xuất khẩu.
Trong năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP. Hồ Chí Minh đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%. Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biển.