'Huy động' 2.000m3 gỗ lim, xây dựng công trình chính điện bằng gỗ kỳ vĩ nhất Việt Nam
Bên cạnh kiến trúc gỗ hoành tráng, công trình này còn gây ấn tượng mạnh bởi nội thất bên trong được dát vàng với số lượng lớn.
Chính điện Lam Kinh nằm trong khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau nhiều năm phục hồi, tu bổ, công trình này đã chính thức mở cửa đón khách tham quan và chiêm bái vào đầu tháng 4/2022.
Theo thông tin trên Báo Vietnamnet, công trình tu bổ Chính điện Lam Kinh được khởi công từ năm 2010, trên diện tích hơn 1.600m². Chính điện có cấu trúc hình chữ Công, bao gồm ba phần: Tiền điện - Quang Đức (tượng trưng cho tài đức của vua Lê Thái Tổ sẽ tỏa sáng muôn đời), Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (biểu trưng cho sự hưng thịnh của vương triều Hậu Lê).
Chính điện Lam Kinh nằm trong khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (Ảnh: Internet)
Theo đại diện Ban Quản lý di tích, Chính điện Lam Kinh sau khi được phục dựng đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ kỳ vĩ nhất nhì Việt Nam và lớn nhất tại Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim sử dụng lên đến hơn 2.000 m³.
Công trình tu bổ Chính điện Lam Kinh được khởi công từ năm 2010, trên diện tích hơn 1.600m² (Ảnh: Internet)
Hiện nay, khoảng 21 hạng mục quan trọng trong khu di tích đã được tu bổ, bao gồm Chính điện Lam Kinh, các lăng mộ, nhà bia, Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ Lê Lai cùng các công trình như hồ Như Áng, giếng cổ, sông Ngọc và cảnh quan thiên nhiên. Tổng kinh phí cho quá trình tu bổ, tôn tạo lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, khoảng 21 hạng mục quan trọng trong khu di tích đã được tu bổ (Ảnh: Internet)
Đặc biệt, bên trong Chính điện, các đồ thờ và vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với tổng giá trị lên tới hơn 40 tỷ đồng.
Ngai vàng nơi Trung điện (Ảnh: Internet)
Theo sử sách, Lam Kinh trước đây là vùng đất Lam Sơn, quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418-1427). Năm 1428, sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) lập nên vương triều Hậu Lê, lấy niên hiệu Thuận Thiên và đặt tên nước là Đại Việt.
Năm 1430, vua Lê Thái Tổ đổi tên Lam Sơn thành Lam Kinh. Từ đó, các công trình kiến trúc như điện, miếu được xây dựng, phục vụ hai chức năng chính: là nơi nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, và là nơi an nghỉ của các vua, hoàng thái hậu và quan lại trong hoàng tộc.
Các đồ thờ và vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng (Ảnh: Internet)
Trải qua hàng trăm năm, nhiều công trình kiến trúc của triều Hậu Lê tại Lam Kinh đã xuống cấp, chỉ còn lại nền móng và lăng mộ. Tuy nhiên, nhờ vào những nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn, nhiều di tích quan trọng tại đây đã được phục dựng nguyên trạng.