Huy động 4.000 công nhân đào đắp ngày đêm, dựng lên kỳ quan thủy điện hình móng ngựa, chân đập dày 200m và 'cõng' cả đường giao thông trên đỉnh
Đập thủy điện này được công nhận là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất của nước Mỹ và 1 trong 100 kỳ quan của thế giới trong thế kỷ 20.
Đập Hoover là một công trình đập bê tông trọng lực nằm trong Black Canyon của sông Colorado, trên ranh giới giữa các tiểu bang Arizona và Nevada của Mỹ. Công trình đập được xây dựng từ năm 1931-1936 với sự tham gia của khoảng 4.000 công nhân xây dựng. Tại thời điểm đó, con đập này là công trình nhân tạo lớn nhất tại Hoa Kỳ và cũng là một trong những công trình lớn nhất của thế kỷ XX trên toàn cầu.
Tên đập Hoover được đặt theo tên Tổng thống Herbert Hoover (thời điểm xây dựng ông là Bộ trưởng Thương Mại) – người khởi xướng và đóng vai trò lớn nhất trong việc xây dựng con đập, tác động đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống miền Tây Hoa Kỳ.
Được xếp hạng là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất của nước Mỹ, đập thủy điện Hoover cũng được công nhận là một kỳ quan lịch sử quốc gia và là 1 trong 100 kỳ quan của thế giới trong thế kỷ 20. Đây cũng là đập cổ nhất trong số các đập có chiều cao trên 150m được xây dựng trên lãnh thổ của Mỹ.
Với chiều cao 221,4m, Hoover là đập cao thứ hai trên lãnh thổ của Mỹ, có chiều dài 379,2m được xây dựng theo dạng móng ngựa, chân đập dày 200m và đỉnh của đập được thiết kế như một con đường giao thông rộng 15m để đi lại.
Hồ chứa nước Hoover cùng với đập bê tông đã tạo ra một quần thể du lịch. Hiện nay, hàng ngày có hơn 20.000 du khách đến tham quan và ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của công trình nổi tiếng này, vé vào cửa là gần 250.000đ/người. Du khách có thể sử dụng thang máy bên trong thân đập để thăm quan nhà máy thủy điện, hệ thống đường ống lấy nước và các thiết bị đo đạc quan trắc của đập.
Du khách đến con đập này thường làm một thí nghiệm thú vị: đứng từ trên cao đổ nước xuống, người ta sẽ thấy nước không chảy xuống như bình thường mà chảy ngược lên. Lý giải cho hiện tượng này là do tác động của gió và không khí vào bề mặt của đập, tạo ra một luồng gió tự nhiên thổi từ dưới lên. Do đó, khi đổ nước mép đập, áp lực của gió khiến nước bị đẩy ngược lên, tạo ra cảm giác như không có lực hấp dẫn, phá vỡ quy luật của tự nhiên.