ICO: Giá cà phê lập đỉnh mới trước áp lực thâm hụt nguồn cung

11-05-2023 17:33|Quang Bách

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022 trong bối cảnh thị trường dự kiến sẽ thâm hụt 7,3 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022-2023.

Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất 7 tháng

Trong tháng 4/2023, chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã tăng 5% so với tháng trước lên mức bình quân 178,6 US cent/pound, tương ứng với 168,1 – 187,3 US cent/pound. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 9/2022.

Với xu hướng đi lên từ cuối năm 2022 đến nay, giá cà phê thế giới đã tăng 14% từ mức trung bình 156,7 US cent/pound vào tháng 11/2022 lên 178,6 US cent/pound trong tháng 4/2023.

Theo ICO, giá cà phê tăng trong thời gian qua do được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản của thị trường, với việc thị trường cà phê thế giới dự kiến sẽ thâm hụt năm thứ hai liên tiếp trong niên vụ 2022-2023.

Trong đó, đà tăng giá chủ yếu diễn ra trong giai đoạn cuối tháng 3 đến tuần thứ ba của tháng 4/2023 sau khi ICO đưa ra dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.

Tuy nhiên, việc đồng USD mạnh lên đã phần nào khiến giá cà phê suy giảm trong đầu tuần thứ ba của tháng 4/2023.

ICO: Giá cà phê lập đỉnh mới trước áp lực thâm hụt nguồn cung
Nguồn: ICO

Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều tăng vào tháng 4, với cà phê robusta tăng 8,7% lên mức trung bình 115,7 US cent/pound. Tương tự, giá arabica Colombia và arabica khác tăng lần lượt 4,3% và 3,2%, lên 234,8 và 229,5 US cent/pound. Cà phê arabica Brazil cũng tăng 4,4% và đạt mức trung bình US cent/pound.

Còn trên thị trường New York, giá cà phê arabica trên sàn ICE đã tăng 6,3% trong tháng qua lên 187,3 US cent/pound. Trong khi giá robusta trên thị trường kỳ hạn London tăng mạnh hơn, với mức tăng 9,1% lên 105,4 US cent/pound. Do đó chênh lệch giá giữa hai sàn đã tăng 2,9% lên 81,9 US cent/pound.

Tính đến cuối tháng 4, dự trữ arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm 7,9% so với tháng trước, xuống còn 0,74 triệu bao (loại 60 kg/bao), trong khi dự trữ robusta tăng 3,1% lên 1,31 triệu bao.

Xuất khẩu tiếp tục lao dốc

Số liệu của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục giảm 9,3% so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 12 triệu bao. Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 ( 20/10/22 đến 20/3/2023) đã giảm 6,4%, tương đương 4,2 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 62,3 triệu bao.

Hiện cà phê nhân xanh vẫn chiếm hơn 90% thương mại cà phê toàn cầu, với 10,9 triệu bao được xuất khẩu trong tháng 3, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 56,3 triệu bao, giảm 6,1% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Theo các nhóm cà phê nhân, các lô hàng arabica khác đã giảm 17,1% trong tháng 3 xuống 2,1 triệu bao. Qua đó đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng âm kể từ đầu niên vụ cà phê mới. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này đã giảm 18,2% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống còn gần 8,9 triệu bao.

ICO: Giá cà phê lập đỉnh mới trước áp lực thâm hụt nguồn cung
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 3/2023). Nguồn: ICO

Xuất khẩu nhóm arabica Brazil cũng giảm 13,5% trong tháng 3 và giảm 7,8% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 18,6 triệu bao so với 20,2 triệu bao cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê arabica Colombia giảm 17,4% trong tháng 3 và giảm 14,7% xuống 5,6 triệu bao trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023.

Riêng robusta xuất khẩu chỉ giảm nhẹ 0,8% trong tháng 3 xuống còn 4,7 triệu bao. Tuy nhiên, lũy kế trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, xuất khẩu robusta đã tăng lên 23,2 triệu bao so với 22,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

ICO: Giá cà phê lập đỉnh mới trước áp lực thâm hụt nguồn cung
Tỷ trọng cà phê arabica và robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023. Nguồn: ICO

Điều này đã giúp tỷ trọng cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 41,2% từ 37,3% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng arabica thu hẹp từ 62,7% xuống 58,8%.

Không chỉ sụt giảm ở mảng cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu giảm 6,5% trong tháng 3 xuống còn hơn 1 triệu bao. Tính chung 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, tổng cộng 5,67 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 8,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.

Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức 10,1%. Về thị trường, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,32 triệu bao được xuất khẩu vào tháng 3 năm nay.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đã rang tăng 5,9% trong tháng 3 lên 66.393 bao. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, xuất khẩu cà phê đã rang đạt 358.640 bao, giảm so với 399.479 bao của cùng kỳ năm trước.

Giá cà phê hôm nay 22/11: Arabica tiếp tục tăng, nguyên nhân vì sao?

Giá cà phê hôm nay 21/11: 2 sàn tăng mạnh, Robusta thêm gần 150 USD/tấn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ico-gia-ca-phe-lap-dinh-moi-truoc-ap-luc-tham-hut-nguon-cung-182779.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ICO: Giá cà phê lập đỉnh mới trước áp lực thâm hụt nguồn cung
    POWERED BY ONECMS & INTECH