Kế hoạch ứng phó với đại dịch tương lai vẫn là "bài toán khó"
Sau đại dịch Covid-19 tàn khốc, các nhà lãnh đạo toàn cầu từng cam kết sẽ có kế hoạch ứng phó tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc đi đến một giải pháp cho đại dịch toàn cầu tiếp theo vẫn còn là bài toán nan giải.
Vòng đàm phán cuối cùng về "Hiệp ước Đại dịch" với sự tham gia của chính phủ các nước và nhiều tổ chức liên quan dự kiến sẽ kết thúc vào thứ Sáu. Mục tiêu của thỏa thuận này là đưa ra các hướng dẫn về cách thức 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể ngăn chặn các đại dịch trong tương lai và chia sẻ tốt hơn các nguồn lực khan hiếm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng thỏa thuận cuối cùng có thể thiếu đi những biện pháp ràng buộc mạnh mẽ, dẫn đến việc các quốc gia không tuân thủ và ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống đại dịch trong tương lai.
Năm 2021, các quốc gia thành viên của WHO đã kêu gọi tổ chức này giám sát các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đối phó với rủi ro đại dịch trong tương lai. Trong những tuần gần đây, các thành viên của WHO đang chạy đua với thời gian để hoàn tất dự thảo "Hiệp ước đại dịch" trước cuộc họp thường niên của tổ chức vào cuối tháng này.
Mục tiêu của thỏa thuận này là thiết lập khuôn khổ quốc tế để ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp phải nhiều thách thức do những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên.
Nhóm các thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đã gửi một lá thư tới chính quyền của Tổng thống Biden vào tuần trước, chỉ trích dự thảo vì tập trung vào các vấn đề như "ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ" và "trao cho WHO quá nhiều quyền lực".
Bộ Y tế Anh Quốc cho biết họ chỉ đồng ý với thỏa thuận nếu nó "phù hợp với lợi ích và tôn trọng chủ quyền quốc gia".
Các nước đang phát triển bày tỏ lo ngại rằng họ có thể bị buộc phải cung cấp mẫu vi-rút cho các nước giàu để phát triển vaccine và phương pháp điều trị, nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm này.
Giáo sư Sara Davies, chuyên gia về Quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith, Úc cho biết: "Hiệp ước này đặt ra mục tiêu cao đẹp, nhưng lại thiếu tính thực tế khi không xem xét đến yếu tố chính trị."
Một trong những mục tiêu chính của Hiệp ước Đại dịch đang được thảo luận là giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine Covid-19 trầm trọng giữa các nước giàu và các nước nghèo. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đã lên tiếng chỉ trích tình trạng này, gọi đó là "một thất bại thảm hại về đạo đức".
Bản dự thảo Hiệp ước Đại dịch đang được thảo luận đề xuất WHO nhận 20% sản phẩm thuốc men và điều trị liên quan đến đại dịch, bao gồm xét nghiệm, thuốc điều trị và vắc xin. Bên cạnh đó, Hiệp ước cũng kêu gọi các quốc gia công khai các thỏa thuận với những công ty tư nhân liên quan đến sản xuất và phân phối sản phẩm y tế.
Giáo sư Sara Davies cho biết: "WHO không có cơ chế thực sự để gây áp lực cho các quốc gia nếu họ quyết định không tuân theo Hiệp ước." Điều này có nghĩa là việc thực thi Hiệp ước sẽ phụ thuộc nhiều vào thiện chí hợp tác của các quốc gia thành viên.
Theo chuyên gia sức khỏe toàn cầu Adam Kamradt-Scott từ Đại học Harvard, Hiệp ước Đại dịch đang được thảo luận sẽ tương tự như các các thỏa thuận về khí hậu toàn cầu. Hiệp định này sẽ thiết lập một diễn đàn mới để các quốc gia yêu cầu lẫn nhau giải trình về biện pháp ứng phó với đại dịch. Tại đây, các nước sẽ phải giải thích chi tiết các biện pháp họ đã thực hiện để phòng ngừa và kiểm soát đại dịch.
Ông Roland Driece, Đồng Chủ tịch Hội đồng Đàm phán về Hiệp ước Đại dịch của WHO, khẳng định Hiệp ước này không nhằm mục đích áp đặt hay ra lệnh cho chính phủ bất kỳ quốc gia nào về những việc họ có thể hoặc không thể làm trong công tác phòng chống đại dịch.
Theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR), các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải báo cáo nhanh chóng về các ổ dịch nguy hiểm mới nổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm đã xảy ra, bao gồm bởi các quốc gia châu Phi trong các đợt bùng phát Ebola và Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.
Bà Suerie Moon, đồng Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Geneva cho biết, việc xác định vai trò dự kiến của WHO trong đại dịch và cách ngăn chặn dịch bệnh bùng phát toàn cầu là rất quan trọng.
Bà Moon nhấn mạnh: "Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội vàng lúc này, thế giới sẽ dễ lại rơi vào tình thế dễ tổn thương giống như năm 2019."
Một số quốc gia đang có những bước đi riêng lẻ để đảm bảo sự hợp tác từ các quốc gia khác trong đại dịch tiếp theo. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ hỗ trợ 50 quốc gia ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh mới và ngăn chặn sự lây lan toàn cầu. Động thái này có thể mang lại cho Mỹ lợi thế trong tương lai nếu họ cần thông tin hoặc vật tư thiết yếu.
Bác sĩ Yuanqiong Hu, Cố vấn Pháp lý và chính sách cao cấp tại tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho biết không rõ đại dịch tiếp theo sẽ có gì khác biệt, nhưng bà hy vọng việc tập trung vào một số sai lầm nghiêm trọng đã lộ ra trong đại dịch Covid-19 có thể giúp ích cho việc phòng chống các đại dịch tương lai.
"Chúng ta chủ yếu phải dựa vào việc các quốc gia tự hành động để làm tốt hơn," bà Hu nói. "Điều đó thật đáng lo ngại."