Trước việc nhóm kênh Disney, National Geographic rút khỏi Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ đề nghị nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền báo cáo phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Thời gian qua một số dịch vụ và kênh truyền hình đã rút khỏi Việt Nam. Cụ thể là trường hợp của nhóm kênh Disney, National Geographic hay dịch vụ Amazon Prime video.
Tại họp báo tháng 11 của Bộ TT&TT, nhiều phóng viên đã đặt vấn đề về việc làm sao để đảm bảo quyền lợi của người dùng khi sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, sau khi Nghị định 71 về sửa đổi Nghị định 06 quản lý phát thanh, truyền hình có hiệu lực vào đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã quyết liệt yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và phim phải thực hiện việc lựa chọn.
Theo đó, nếu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp phép tại Việt Nam theo quy định của Nghị định 71, nếu cung cấp phim phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Điện ảnh sửa đổi, đồng thời gỡ bỏ chương trình truyền hình trên nền tảng OTT của mình.
Hiện có 6 công ty OTT xuyên biên giới cung cấp dịch vụ này, sau khi nhận yêu cầu từ Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Netflix đã chọn cung cấp cả 2 dịch vụ phim và truyền hình trả tiền. 5 doanh nghiệp còn lại chọn cung cấp phim và hạ chương trình truyền hình trên nền tảng OTT của họ.
“Trong những lần làm việc, Amazon Prime và Disney thấy thị trường Việt Nam còn nhỏ, mô hình kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự phù hợp nên họ chọn rút khỏi thị trường Việt Nam. Tôi chỉ nghe thông tin như vậy, còn để chính thức, chính xác và đầy đủ, phóng viên có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.
Đánh giá về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới đã có ý thức tuân thủ pháp luật, đây là điều Bộ TT&TT và Chính phủ rất hoan nghênh. Việc thay đổi mô hình kinh doanh là hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quang Tự Do, các doanh nghiệp trong nước đã tuân thủ quy định từ lâu. Trong một thời gian dài, có tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi khi các quy định chưa phủ đến.
“Khi thực hiện các quy định bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, một số doanh nghiệp chọn không hoạt động ở Việt Nam nữa, điều đó là bình thường”, ông Do nhận định.
Chia sẻ thêm góc nhìn về câu chuyện này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, một số hãng làm điện ảnh, kinh doanh nội dung giải trí của thế giới, trong đó có Disney cho rằng, tương lai không nằm ở truyền hình truyền thống mà nằm ở dịch vụ video theo yêu cầu.
“Kể từ khi ra dịch vụ Disney Plus, Disney có chiến lược thôi cung cấp các kênh truyền hình truyền thống mà dồn tất cả cho ứng dụng. Khi họ ra đời Disney Plus, thông điệp của họ trong buổi lễ ra mắt là “goodbye cable TV”. Đây là sự chuyển hướng chiến lược của họ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Lý giải thêm, theo người phát ngôn Bộ TT&TT, dịch vụ video theo yêu cầu Disney Plus chưa bao giờ vào Việt Nam, chưa cung cấp ở Việt Nam. Amazon Prime cùng một số dịch vụ khác có cung cấp ở Việt Nam nhưng họ chọn tuân thủ theo Điều 21 của Luật Điện ảnh về việc phổ biến phim trên không gian mạng.
Để không phải cùng lúc đáp ứng cả Luật Điện ảnh và các quy định về phát thanh truyền hình, các doanh nghiệp này bỏ tất cả những chương trình không phải là phim ra khỏi nền tảng. Đây là sự chuyển hướng trong hoạt động chứ Amazon Prime vẫn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Việc rút nhóm kênh truyền hình Disney, Fox, National Geographic,... là hành động bất khả kháng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Nguyên nhân bởi các đối tác cung cấp kênh từ nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới người xem truyền hình.
Đối với câu chuyện này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu Cục PTTH&TTĐT rà soát, đề nghị các công ty đang cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, báo cáo với Bộ TT&TT về phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng.