Khách hàng gian lận sẽ bị liệt vào 'danh sách đen' của hệ thống an ninh mạng ngân hàng

09-06-2024 17:21|Dương Lam

Phó Thống đốc cho biết, hiện 95% các giao dịch của hệ thống ngân hàng thực hiện trên kênh số nên công tác an ninh mạng là “xương sống” của ngành.

Công an Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có 3 hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng. Thứ nhất, là thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định. Thứ hai, chiếm dụng máy của người sử dụng và tiếp tục các thao tác khác. Thứ ba, lấy thông tin trên thiết bị của người dùng chuyển sang thiết bị khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Ông Dũng cho biết thêm, theo số liệu thống kê, hiện trên 95% số lượng giao dịch thanh toán được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy; với tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày.

Thống đốc NHNN cũng cho biết, cơ quan quản lý đang tiến hành tập hợp tất cả những tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân đã từng “ăn gian, nói dối”, mua bán tài khoản để đưa vào kho dữ liệu “đen”, từ đó, đưa ra cảnh báo để các ngân hàng tăng cường xác thực với những tài khoản này… Hiện nay, 95% các giao dịch của hệ thống ngân hàng thực hiện trên kênh số nên công tác an ninh mạng là “xương sống” của ngành.

Với ngành Ngân hàng, mất thông tin, dữ liệu là mất tiền. Bởi vậy, thời gian tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ làm nhanh và siết chặt xác thực sinh trắc học và làm sạch dữ liệu khách hàng.

Khách hàng gian lận sẽ bị liệt vào 'danh sách đen' của hệ thống an ninh mạng ngân hàng
Ảnh minh họa

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch xem có chính xác với khuôn mặt của người mở tài khoản hay không (xác thực sinh trắc học). Khuôn mặt của chủ tài khoản phải được xác thực với căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an quản lý.

Giải pháp này mang đến lợi ích sau: người mở tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tuỳ thân. Khi chưa có căn cước công dân gắn chip thì tình trạng giả mạo giấy tờ này có thể nói là nhức nhối. Khi khách hàng mở tài khoản, giao dịch viên rất khó để xác minh chứng minh thư thật - giả. Đặc biệt, nếu thẻ căn cước không gắn chíp mà chỉ có phôi nhựa thôi rất dễ bị làm giả. “Chúng tôi đã đưa ra các giải pháp EKYC với khoản gần 50 tiêu chí nhận diện thì hiệu quả hơn so với giao dịch viên xác thực rất nhiều”, ông Phạm Tiến Dũng thông tin.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay một số đơn vị đã làm rất tốt việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ mất vài giây để xác thực khuôn mặt người thực hiện giao dịch. Thời gian tới, NHNN sẽ nâng cấp Quyết định 2345 lên thành Thông tư.

Chưa kể, NHNN tiếp tục làm sạch dữ liệu người dùng. “Ngành Ngân hàng hiện có dữ liệu khoảng 70 triệu món vay; 54 triệu tài khoản người vay. Trước đây, người vay có thể dùng nhiều loại giấy tờ để đi vay ở nhiều nơi khác nhau, khi thì chứng minh thư, khi thì hộ chiếu. Hiện nay, NHNN đã làm sạch để ngân hàng có thể truy xuất người dùng đang nợ thẻ tín dụng ở đâu, đang có món vay ở đâu rất nhanh, chỉ 1-2s. Hiện tại, NHNN đã tập hợp tất cả những tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân đã từng “ăn gian, nói dối”, từng mua bán tài khoản ngân hàng.

Ông Dũng cảnh báo: “Nếu số căn cước công dân của khách hàng đã rơi vào kho dữ liệu “đen” này thì chúng tôi yêu cầu tăng cường mức xác thực. Nếu phát sinh giao dịch, chúng tôi sẽ cảnh báo với ngân hàng để tăng cường xác thực; thực hiện tuyên truyền cảnh báo. Thay vì giao dịch điện tử thì mời khách hàng ra quầy”. Ông Dũng nhấn mạnh, với việc làm sạch dữ liệu được tiến hành như trên, tình trạng cho thuê tài khoản ngân hàng sẽ được hạn chế rất nhiều.

Cài đặt app theo hướng dẫn của người tự xưng công an, một người đàn ông 'suýt' mất 500 triệu đồng

NHNN: Xuất hiện tình trạng thuê người xếp hàng mua gom vàng để đẩy giá

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khach-hang-gian-lan-se-bi-liet-vao-danh-sach-den-cua-he-thong-an-ninh-mang-ngan-hang-237989.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khách hàng gian lận sẽ bị liệt vào 'danh sách đen' của hệ thống an ninh mạng ngân hàng
POWERED BY ONECMS & INTECH