'Kho thiêng' của Vương quốc Chămpa trên cao nguyên lần đầu được phát lộ sau 9 thế kỷ
"Kho thiêng" với phần trung tâm nằm trong khung hình tròn và tạo dựng bằng các viên gạch xếp thành hình chữ Vạn.
Nằm ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, xã An Phú (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây được ví như một "làng Việt cổ", lưu giữ những dấu ấn của thời gian qua những di tích, làng nghề truyền thống và những câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương.
Đặc biệt, An Phú còn nổi tiếng với "làng rau trăm tuổi" - nơi gắn liền với lịch sử của lớp người "khai khoa" cho vùng đất cổ. Những luống rau xanh mướt trải dài, vun đắp bởi bàn tay cần mẫn của người dân An Phú, đã trở thành nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho khu vực trong suốt hàng thế kỷ qua.
Gần đây, những bí ẩn về di tích An Phú cũng dần được hé mở. Trước đó, di tích này từng được các học giả người Pháp nhắc đến trong những khảo cứu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ tại 4 hố thăm dò và 1 hố khai quật với tổng diện tích trên 235m2. Từ cuộc khai quật đợt II năm 2024, với những phát hiện mới tại di tích An Phú cung cấp thêm nhiều tư liệu quan trọng, gợi ý cho một khung niên đại xây dựng sớm hơn đối với di tích An Phú từ khoảng thế kỷ IX-X và được sử dụng kéo dài đến thế kỷ XII-XIII.
Phát hiện quan trọng nhất trong đợt khai quật di tích An Phú chính là sự phát hiện cấu trúc "kho thiêng" (hố thiêng) hình chữ Vạn độc đáo. Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện Khoa học - Xã hội vùng Nam Bộ, đây là bằng chứng cho thấy di tích An Phú từng là một ngôi đền thờ Phật giáo.
Cấu trúc "kho thiêng" với phần trung tâm nằm trong khung hình tròn, được tạo dựng bằng các viên gạch xếp thành hình chữ Vạn. Kiến trúc độc đáo này lần đầu tiên được phát hiện tại di tích An Phú và trên địa bàn Tây Nguyên, đồng thời cũng là duy nhất được biết đến hiện nay khi so sánh với các di tích kiến trúc tôn giáo của các nền văn hóa cổ tại miền Trung Việt Nam (văn hóa Chămpa), Nam Bộ (văn hóa Óc Eo) và khu vực Đông Nam Á.
Bên trong "kho thiêng", các nhà khảo cổ đã tìm thấy bộ hiện vật là đồ cúng tế, bao gồm nhóm hiện vật bằng vàng (bình kamandalu, hoa sen, các lá vàng có khắc ký tự cổ), trang sức bằng đá quý, thủy tinh... Đây là những vật phẩm được đặt vào "kho thiêng" với mục đích dâng cúng cho đấng được thờ phụng tại di tích. Những hiện vật quý giá này góp phần cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng để đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về di tích An Phú.
Hiện nay, hai di vật bằng đá được phát hiện tại khu vực di tích An Phú đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Khối đá phía trên có hình hộp chữ nhật với kích thước 40cm x 58cm x 66cm, có lỗ tròn xuyên tâm. Khối đá phía dưới có hình dạng chóp cụt vuông vức, cân đối, cao 51cm.
Hai khối đá này có thể là một phần bệ thờ của người Chăm xưa, góp phần khẳng định di tích An Phú là di tích Chămpa duy nhất được phát hiện trên địa bàn TP. Pleiku tính đến thời điểm hiện tại. Theo các nhà chuyên môn, di tích An Phú có niên đại khoảng thế kỷ XII-XV.