Khoáng sản Lào Cai (LCM): Lãi đột biến quý 3, cổ phiếu về "đáy" sau chuỗi tăng trần

26-10-2022 09:28|Đức Quân

Dù lãi đậm trong quý 3/2022 song LCM hiện vẫn đang lỗ lũy kế hơn 32 tỷ đồng.

CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai (Mã LCM - UpCOM) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu ghi nhận mức 6,56 tỷ đồng - tăng gấp 2 lần mức chỉ gần 2,2 tỷ trong quý 3/2021 đồng thời gấp 1,16 lần tổng doanh thu của 2 quý đầu năm (chỉ ở mức 5,6 tỷ).

Trong kỳ, giá vốn bán hàng ghi nhận mức 5,76 tỷ đồng nên công ty thu về gần 1,6 tỷ lợi nhuận gộp - gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; biên lãi gộp đạt 24%.

Quý này, chi phí quản lý doanh nghiệp của Khoáng sản Lào Cai tăng mạnh so với cùng kỳ lên mức hơn 1 tỷ.

Khấu trừ các khoản thuế phí, LCM thu về gần 1,3 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 3 - tăng 75% so với quý 3 năm ngoái và gần gấp đôi mức lợi nhuận nửa đầu năm.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp khai khoáng này báo tổng doanh thu đạt 12,2 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 6,8 tỷ) song vẫn còn cách khá xa mục tiêu 20 - 50 tỷ doanh thu cho cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt gần 2 tỷ đồng - tăng 33% YoY và tiệm cận chỉ tiêu lãi sau thuế từ 2 - 5 tỷ đã được duyệt.

Tính tới cuối quý 3, tổng tài sản của Khoán sản Lào Cai ghi nhận ở mức 242 tỷ đồng - giảm nhẹ so với đầu năm trong đó gần 173 tỷ là tài sản dài hạn; quy mô vốn chủ sở hữu ở mức 230 tỷ đồng và nợ phải trả chỉ là 12,2 tỷ.

Đến ngày 30/9/2022, LCM vẫn đang lỗ lũy kế hơn 32 tỷ đồng. 

Trên thị trường chứng khoán, với không ít nhà đầu cơ, cổ phiếu LCM là cái tên khá quen mặt ngay từ thời điểm mã còn giao dịch trên sàn HOSE. Với quy mô chỉ hơn 24,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành và tình hình kinh doanh không thuận lợi song thanh khoản của mã này thường xuyên ngi nhận mức 6 chữ số/phiên, cá biệt nhiều phiên đạt cả triệu đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên ngày 28/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc đối với hơn 24,6 triệu cổ phiếu LCM từ ngày 28/8/2022 do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 của Khoáng sản Lào Cai đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.

Được biết, cổ phiếu LCM niêm yết trên HOSE cách đây 11 năm (từ 16/9/2011) với giá tham chiếu 24.000 đồng.

Ít phiên sau đó, mã đạt đỉnh giá 33.400 đồng (phiên 28/9/2011) và bắt đầu trượt dốc. Có thời điểm, mã thậm chí lùi về dưới 1.000 đồng (từ năm 2017) và chạm đáy 580 đồng hồi tháng 9/2019.

Tình hình kinh doanh lao dốc chính là nguyên nhân chính kéo giá cổ phiếu LCM rơi tự do kể từ khi lên sàn.

lnst-cua-khoang-san-lao-cai-lcm-tu-2010-2021-1-.png

Sau hủy niêm yết trên HOSE, 24,6 triệu cổ phiếu LCM có phiên đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 9/9 với giá tham chiếu 2.800/cổ phiếu. Mã giảm điểm nhẹ 2 phiên sau đó trước khi bắt đầu ghi dấu bằng chuỗi tăng trần/giảm sàn "đảo điên" mà theo giải trình từ phía công ty là do cung cầu của thị trường và công ty không can thiệp vào giá cổ phiếu.

Cổ phiếu LCM bắt đầu chuỗi tăng kể từ ngày 14/9 tại mức 2.700 đồng thị giá với 7 phiên liên tiếp (trong đó có 6 phiên tăng trần từ 15 - 22/9) qua đó kéo thị giá lên mức 5.400 đồng (tăng gấp đôi). Mã sau đó giảm sàn 2 phiên liên tiếp và bước vào 1 tháng gần nhất biến động tiêu cực.

Kết phiên 25/10, thị giá cổ phiếu LCM chỉ còn 2.500 đồng - mức thấp nhất kể từ khi về UPCoM. Thanh khoản trung bình phiên trong khoảng thời gian này đạt từ 300.000 - 500.000 đơn vị).

Trước đó, như chúng tôi đã từng phản ánh trong một số bài viết chủ đề CỔ PHIẾU TĂNG TRẦN, thời gian qua có rất nhiều cổ phiếu "mini" nổi sóng với chuỗi tăng trần thậm chí lên tới 23 phiên (như CFV của Cà phê Thắng Lợi). Tuy nhiên, hầu hết nhóm này đều là các mã nhỏ với giá thấp, rất dễ bị tác động bởi đội lái, các nhà đầu tư "tay to" thậm chí bị thao túng giá nhằm trục lợi bất chính. 

Trong những câu chuyện bên lề được chia sẻ bởi các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, việc các cổ phiếu nhỏ của một số doanh nghiệp có hoặc ít nhiều "có vấn đề" tăng trần luôn khiến nhà đầu tư hoài nghi về tính chất của sự việc; đó có thể xuất phát từ hành vi đẩy giá để thoái vốn từ lãnh đạo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn của doanh nghiệp hoặc chiêu trò thổi giá để dẫn dụ nhà đầu tư "gà mờ" rót tiền nhằm trục lợi (như trường hợp của cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân năm 2021).

Vì thế, trước khi xuống tiền với các mã dạng này, nhà đầu tư cần xác định rõ tâm thế "gửi tiền ở đâu sẽ cho sinh lời" và tránh khỏi các cạm bẫy tăng giá ảo.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

Vietnam Rubber Group (GVR) mang 14.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, lãi quý I/2024 đạt 650 tỷ đồng

Đạm Phú Mỹ (DPM) mang 6.400 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, LNST quý I/2024 đạt 268 tỷ đồng

Thành viên nhà DIC Corp (DIG) báo lãi quý I gấp 9 lần

Bài thuộc chủ đề KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 3/2022
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khoang-san-lao-cai-lcm-lai-dot-bien-quy-3-co-phieu-ve-day-sau-chuoi-tang-tran-155220.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khoáng sản Lào Cai (LCM): Lãi đột biến quý 3, cổ phiếu về "đáy" sau chuỗi tăng trần
POWERED BY ONECMS & INTECH