Nhóm cổ đông mới vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã đưa thế chấp thêm tài sản là BĐS tại TP Hồ Chí Minh, có giá trị, thanh khoản cao vào Sacombank.
Đây là thông tin được Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CP: STB) bà Nguyễn Đức Thạch Diễm thông tin trong ĐHĐCĐ thường niên của nhà băng này mới được tổ chức vào ngày 26/4 vừa qua.
Cụ thể, CEO Thạch Diễm cho biết, dư nợ của Bamboo Airways tại Sacombank tới ngày 25/4 còn lại 3.583 tỷ đồng và nằm ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).
Trước đây, khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo Airways và tài sản của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, sau khi nhóm cổ đông mới vào Bamboo Airways, ngân hàng đã thuyết phục họ đưa thêm tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Do vậy, hiện dư nợ của Bamboo Airways được đảm bảo bằng 100% bất động sản mới, cộng thêm bất động sản cũ và các cổ phiếu trước đây đã thế chấp.
"Chắc chắn khoản vay của Bamboo Airways không thể nào mất vốn. Tài sản đảm bảo mà chúng tôi nhận là tài sản tại TP.HCM và có giá trị, thanh khoản cao", bà Diễm chia sẻ trong đại hội.
Điều đáng nói, con số 3.583 tỷ đồng dư nợ Bamboo Airways dường như đã “phình” ra nếu so sánh với các dữ kiện trong quá khứ.
Tháng 9 năm ngoái, báo cáo đánh giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank do SSI Research phát hành cho biết tính đến hết quý II/2023, Bamboo Airways đang có dư nợ 3.000 tỷ đồng tại Sacombank, chiếm 0,7% tổng tín dụng của nhà băng này.
Quay ngược lại cách đây 2 năm, chính lãnh đạo STB đã từng chia sẻ về dư nợ của nhóm FLC và Bamboo Airways trong ĐHCĐ thường niên 2022 Sacombank được tổ chức vào ngày 22/4/2022.
Thời điểm đó, TGĐ Sacombank - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FLC và Bamboo Airways ở mức trên 5.000 tỷ đồng. Bổ sung thêm, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank nói, khoản nợ của riêng FLC tại Sacombank chỉ có 3.200 tỷ, đã thu hồi được 2.600 tỷ, trong vòng 1 tháng sau sẽ thu hồi xong khoản vay đó.
"Thực ra khoản nợ tốt nhưng do sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm" - ông Minh thông tin trong ĐHCĐ 2022.
Nếu lấy 5.000 tỷ đồng dư nợ của cả nhóm FLC và Bamboo trừ đi 3.200 tỷ dư nợ của FLC theo ông Minh chia sẻ, thì số dư nợ Sacombank cho Bamboo vay thời điểm đó chỉ khoảng trên 1.800 tỷ đồng, có khoảng cách khá xa với 3.000 tỷ hay 3.583 tỷ đồng.
ĐHCĐ Sacombank năm 2022 |
Ở một diễn biến khác, từ BCTC kiểm toán (không kèm thuyết minh) của Bamboo năm 2022 thấy được Bamboo Airways đã tăng nợ vay trong năm này. Theo đó, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Hàng không Tre Việt đến 31/12/2022 là 10.114,5 tỷ đồng, tăng hơn 5.840 tỷ đồng so với đầu năm 2022, trong khi dư nợ vay dài hạn giảm không đáng kể.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, dòng tiền trả nợ năm 2022 của Bamboo Airways là 10.973 tỷ đồng, trong khi dòng tiền thu từ đi vay trong kỳ là 16.805 tỷ đồng. Sự chênh lệch gần 6.000 tỷ đồng này giúp dòng tiền từ hoạt động tài chính dương và cân lại dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều âm nặng.
Về chênh lệch tăng gần 6.000 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn thời điểm đầu và cuối năm 2022, phần lớn hoặc (có thể) toàn bộ được tài trợ từ nhà đầu tư Lê Thái Sâm khi chính vị này từng tiết lộ, từ năm 2022 đến ngày 10/4/2023, tổng số tiền Bamboo Airways nợ ông là hơn 7.727 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways chưa công bố BCTC năm 2023. Tuy nhiên từ số liệu dư nợ cho vay của Sacombank với Bamboo Airways qua các mốc thời gian, câu hỏi đặt ra là liệu nhà băng này có giải ngân thêm cho hãng Hàng không Tre Việt từ năm 2022 đến nay?
>> Lãnh đạo Sacombank giải thích lý do đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn
CEO Sacombank nói về dư nợ với Bamboo Airways, LDG - 2 doanh nghiệp có Chủ tịch vướng vòng lao lý
Chủ tịch Sacombank: Ông Đặng Tất Thắng đòi 200 tỷ, giả mạo văn bản nói xấu tôi