Vĩ mô

Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực kinh tế tư nhân

Trâm Anh 29/09/2024 - 08:05

Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để phát huy sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của khu vực kinh tế này…

Đóng góp gần 50% GDP

Tập đoàn kinh tế (TĐKT) tư nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô, là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, khu vực KTTN đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập DN chiếm khoảng 34%.

Đã xuất hiện những tập đoàn KTTN lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT..., KTTN tham gia và làm tốt nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có kinh tế Nhà nước mới đủ khả năng thực hiện như xây dựng sân bay, cảng biển trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô; lĩnh vực hàng không...

Điển hình như Sun Group đầu tư 3 công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn xây chưa đầy hai năm, được trao hai giải thưởng là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019” và “Sân bay mới hàng đầu thế giới”; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sữa của Công ty Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sữa của Công ty Vinamilk. Ảnh: Phạm Hùng

Các doanh nghiệp Thaco, VinFast đang biến khát vọng ô tô “make in Vietnam” thành hiện thực. Những tập đoàn KTTN như Sun Group, Vingroup... đã kiến tạo nên các công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch độc đáo xứng tầm quốc tế như: Bà Nà Hill, cầu Vàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chuỗi Carnival đường phố khắp các tỉnh, TP như: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng... tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch Việt Nam.

Một số tập đoàn tư nhân lớn đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế như Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Masan, TH…, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Các TĐKT tư nhân lớn của Việt Nam đã thi công nhiều công trình lớn, khó và phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay… góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế các địa phương và đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Các TĐKT tư nhân có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao mức sống dân cư.

Tuy nhiên, phát triển TĐKT tư nhân ở Việt Nam thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ KH&ĐT đánh giá, số lượng các TĐKT tư nhân quy mô lớn chưa nhiều; hoạt động của các DN lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỉ lệ các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN lớn trong nước và FDI còn thấp. Các DN lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các DN vừa và nhỏ, cũng như nền kinh tế, chất lượng quản trị và nâng cao chất lượng quản trị trong các TĐKT tư nhân còn hạn chế.

Báo cáo đánh giá 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) đã chỉ ra, năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm DN lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. Quy mô DN tham gia vào sản xuất trong nền kinh tế chưa lớn, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng DN tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Đặt niềm tin, trao những sứ mệnh lớn lao

Vừa qua, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã tổ chức buổi gặp mặt với 12 DN tư nhân lớn. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt là các DN tư nhân lớn.

Tại đây, 12 DN tư nhân đã kiến nghị nhiều vấn đề như: tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn tham gia các dự án xây dựng nhà ở xã hội; Hòa Phát nhận làm đường sắt cao tốc; Thaco trăn trở công nghiệp hỗ trợ; Masan xin cơ chế chủ động liên kết với các tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới...

T&T Group kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế giao nhiệm vụ và chỉ định đối với những dự án đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi quản trị, đòi hỏi tài chính; tạo điều kiện cho các thành phần KTTN tham gia.

Để có được một DN lớn cần có 3 yếu tố, đó là năng lực sáng tạo công nghệ, thương hiệu không chỉ ở tầm quốc gia mà phải vươn tầm quốc tế, phải có tính dẫn dắt và lan tỏa. Nếu đo 3 yếu tố trên để khẳng định số DN thực sự lớn mạnh thì DN Việt Nam còn khiêm tốn, vì chưa dẫn dắt được chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Võ Trí Thành

Tập đoàn KN Holdings cho biết, DN đang hướng tới xây dựng các trung tâm công nghiệp thế hệ mới hiện đại. Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. Viet Jet kiến nghị đưa Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới…

Gọi Hội nghị của Thủ tướng và Thường trực Chính phủ với các DN tư nhân lớn ngày 12/9 là “Hội nghị Diên Hồng” đối với khu vực DN tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn rằng, tại sự kiện, Chính phủ và các DN sẽ cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các DN lớn.

Tất nhiên, đi kèm đó là Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho DN lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì? Và câu trả lời bước đầu cũng đã được Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các DN lớn.

Chẳng hạn, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; triển khai Quy hoạch Điện VIII, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chuyển đổi than sang năng lượng sạch; thu hút đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và phát triển hydrogen tại Việt Nam; hay đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi, như AI, chip bán dẫn…

Có một điểm đáng lưu ý trong kiến nghị lần này, các tập đoàn đều kiến nghị tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, trên nền tảng tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu mới như yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư, tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong.

Đó còn là yêu cầu phát huy, làm mới động lực tăng trưởng cũ đồng thời với khơi thông động lực tăng trưởng mới đến từ các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… Tất cả những nỗ lực trên đều hướng đến mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 cũng như chuẩn bị tâm thế để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thủ tướng cảm ơn các DN đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, trung tâm triển lãm quốc gia, nhà ở xã hội, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao thể chất người dân… Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các DN để thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. DN, doanh nhân cần phát huy vai trò lịch sử, đóng góp cho đất nước, tạo bước đột phá trong giai đoạn hiện nay nhất là đất nước vừa trải qua những giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19, rồi cơn bão số 3 vừa gây hậu quả nghiêm trọng.

Thủ tướng mong các DN phát huy tính tự lực, tự cường để cùng nhau vượt qua khó khăn; phải có đột phá, bứt phá từ nay đến hết nhiệm kỳ này với thời gian chỉ còn hơn một năm; bước sang kỷ nguyên mới vào năm 2030, đất nước tròn 100 năm Đảng Cộng sản lãnh đạo: đất nước phải có những công trình lớn, biểu tượng của đất nước để chào mừng sự kiện lớn này.

“Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN" - Thủ tướng nói và khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho DN; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để vượt qua khó khăn, thách thức.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các DN giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.

Ngoài hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với DN theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”.

Chúng ta cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để DN vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Ngoài ra, chúng ta cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để DN tiên liệu được trong hoạt động của mình.

TS Nguyễn Đình Cung

>> Nghị quyết 41: Kim chỉ nam để doanh nghiệp tư nhân bùng nổ trong thời kỳ mới

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 12 doanh nghiệp tư nhân VIC, HPG, MSN…

Nghị quyết 41: Kim chỉ nam để doanh nghiệp tư nhân bùng nổ trong thời kỳ mới

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/khoi-thong-nguon-luc-phat-huy-nang-luc-kinh-te-tu-nhan.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS & INTECH