Không theo ‘quy luật ngầm’ ở trường, tôi phải viết đơn xin nghỉ việc
Tôi rất ngạc nhiên khi biết có "quy luật ngầm” ở trường tư thục. Giáo viên nếu không làm hài lòng học sinh và phụ huynh rất dễ bị “đào thải”. Dẫu biết thực trạng này không phổ biến, nhưng tôi vẫn thật sự xót xa.
Thông tin từ GD-ĐT, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Rất nhiều lý do của tình trạng này đã được độc giả VietNamNet - thậm chí là những người trong cuộc, "mổ xẻ" như mức thu nhập, áp lực... Sự áp lực không chỉ ở các trường công lập, còn diễn ra ở các trường tư thục. VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả chia sẻ của một nữ giáo viên dạy Toán bậc THCS tại TP.HCM. Sự trải lòng này của chị chỉ với mong muốn đơn giản được phụ huynh và xã hội thông cảm, thấu hiểu hơn với những người "cầm phấn".
Đọc các bài viết Giáo viên: Nơi thiếu, nơi không xin được việc, nghỉ việc trên VietNamNet, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân. Cách đây nửa năm, tôi nộp đơn xin nghỉ việc tại một trường THCS tư thục tại TP.HCM.
Lí do đơn giản vì bản thân không thể chịu nổi áp lực và vô số những cuộc họp liên miên, bất kể giờ giấc. Cá nhân tôi hiểu rằng trong khoảng thời gian giảng dạy, không chỉ mình mà rất nhiều anh chị em đồng nghiệp và cả các em học sinh đều phải cố gắng. Tuy nhiên, sức người thật sự có hạn.
Bản thân tôi đành phải “chào thua” và băn khoăn tự hỏi: Liệu đã có một quy định cụ thể và rạch ròi cho khoảng thời gian làm việc cho giáo viên tại các trường tư thục và cả công lập trên toàn quốc. Khi gần như ngày nào, giáo viên chúng tôi cũng phải “quay cuồng” với hàng loạt các việc làm không tên như soạn giáo án, phiếu học tập, chuẩn bị tiết dự giờ, thao giảng… thậm chí viết cả sổ báo bài cho học sinh.
Tôi được phân công giảng dạy môn Toán ở hai lớp 7 và một lớp 9 tại trường. Cá nhân tôi cảm thấy rất hào hứng vì tìm được một việc giảng dạy hứa hẹn nhiều triển vọng. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, tôi phải đối mặt với vô vàn những áp lực không tên.
Phải đồng ý rằng giáo viên chúng tôi khi tham gia giảng dạy phải soạn giảng giáo án, chuẩn bị đủ đầy lượng kiến thức để cung cấp cho học sinh. Nhưng vô vàn những cuộc họp rút kinh nghiệm, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng suốt cả tuần dài khiến tôi phải mỏi mệt chào thua.
Thêm vào đó, việc dự giờ thường xuyên của Ban Giám Hiệu và Tổ trưởng chuyên môn, bắt buộc giáo viên đầu tư chất xám nhiều hơn mức có thể cho mỗi tiết dạy. Áp lực ấy khiến một giáo viên mới như tôi phải bỏ ra trung bình từ 2-3 giờ đồng hồ cho một file giáo án ppt, phiếu học tập kèm theo vô số những công việc không tên khác như điểm danh, nhập nhận xét đánh giá học sinh, ghi sổ báo bài cho học sinh…
Nếu so sánh với mức lương giảng dạy cụ thể, khoản thù lao tôi nhận được cho công việc này không thật sự quá nhiều. Tuy nhiên, khối lượng công việc hoàn toàn không giảm đi, ngược lại còn chiều hướng tăng thêm cho giáo viên. Nếu hai ngày cuối tuần là khoảng thời gian để chúng ta nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, đội ngũ giáo viên lại liên tục phải tham gia hội họp, học tập các lớp đào tạo về văn hóa, kĩ năng…
Thậm chí, có những ngày chủ nhật gần 20h, tôi vẫn phải tham gia họp với nhà trường về các vấn đề phải triển khai trong tuần sắp đến. Dẫu biết công việc giảng dạy đòi hỏi nhiều cuộc gặp gỡ để thống nhất và chia sẻ ý kiến, nhưng việc tổ chức hàng loạt các buổi họp thật sự gây sức ép rất lớn đến tâm lý của giáo viên, khiến những ngày tháng dạy học càng trở nên vất vả hơn gấp bội.
Đó là chưa kể đến việc bản thân thường xuyên phải nghe những lời phản ánh, đa phần là một chiều từ học sinh về bộ môn của mình. Vốn xuất thân từ một giáo viên trường công lập nên khi tham gia giảng dạy tại trường tư, cá nhân tôi đã vấp phải rất nhiều những trở ngại về tâm lý, đặc biệt là việc kết nối với học sinh.
Dù đã ra sức trò chuyện, tạo tương tác với các em, nhưng bản thân tôi vẫn cảm giác rất rõ nét sự nhường nhịn học sinh, thậm chí là đặt nặng việc làm hài lòng tâm lý của các em hơn kết quả đạt được trong học tập.
Tôi rất ngạc nhiên khi biết có quy luật “ngầm” ở một số trường tư thục, đó là giáo viên nếu không biết cách làm hài lòng học sinh và phụ huynh rất dễ bị “đào thải”. Dẫu biết thực trạng này không phổ biến hoàn toàn ở nhiều nơi, nhưng tôi vẫn thật sự xót xa khi trải nghiệm điều này trong hành trình “cầm phấn” của mình.
Chữ “lễ” trong văn hóa thầy trò và cách ứng xử giữa phụ huynh với giáo viên, khi được đặt trong môi trường giáo dục hiện nay, dường như đang ngày một suy giảm và bị xem nhẹ hơn. Khi giá trị của đồng tiền và nhịp sống kinh tế thị trường đang dần bào mòn nhiều thứ thì vị thế của người thầy cũng do đó mà bị cân đo, đong đếm về nhiều mặt hơn.
Thực tế đã cho ta thấy nhiều vụ việc đau lòng trong học đường, đa phần xuất phát từ tâm thế e ngại thậm chí bất lực của người thầy trước sự phán xét của phụ huynh và cộng đồng. Học sinh chưa ngoan, thậm chí cá biệt, rất cần đền sự rèn giũa của thầy cô nhưng chính sự khắt khe của phụ huynh và áp lực của dư luận xã hội khiến giáo viên mất hết dũng khí và kiên trì giáo dục trẻ đến tận cùng.
Nhiều áp lực buộc tôi phải có một quyết định không dễ dàng: viết đơn xin nghỉ việc. Sau khi viết đơn, tôi đã dành thời gian để chú tâm ngồi suy ngẫm lại những bất cập bản thân đã trải qua trong suốt những tháng vừa qua. Cá nhân tôi hiểu rằng trong bất cứ ngành nghề nào cũng có những áp lực của riêng, cũng có hiện tượng tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta có quyền đánh đồng mọi trường hợp.
Thiết nghĩ, đã cần đến lúc phải nhìn nhận lại vai trò của nhà giáo và giảm nhẹ áp lực cho giáo viên, đặc biệt trong thời kỳ dạy học nhiều thách thức từ phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội như hiện nay. Giáo viên chúng tôi, dẫu có là người đứng lớp tận tụy đến đâu, vẫn cần có cảm xúc và được trân trọng đúng mực, để hoàn thành chặng đường giáo dục thế hệ trẻ đầy cam go.
Chúng tôi không phải là những “cỗ máy” chỉ biết răm rắp nghe theo chỉ thị của cấp trên và yêu cầu một cách phi lý của phụ huynh và học sinh.
Bình An(Giáo viên môn Toán THCS, TP.HCM)
Vụ hiệu trưởng bỏ nhiệm sở nhiều ngày: Huyện vào cuộc xử lý lương cho giáo viên
Giáo viên TPHCM hưởng thu nhập tăng thêm mức cao nhất hơn 23 triệu đồng/tháng