Vĩ mô

‘Không thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia’

Hiền Minh 28/10/2023 - 07:00

Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã có kết quả trúng thầu, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Việc thiếu thuốc hiện nay phần lớn là thuốc được đấu thầu từ đơn vị mua sắm cấp địa phương hoặc cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

‘Không thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia’ - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã có kết quả trúng thầu, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc - Ảnh: VGP/HM

Trao đổi với phóng viên về phản ánh nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đang thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân, một phần do nguyên nhân Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia cho biết, đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ tháng 8/2022 và có hiệu lực thực hiện từ tháng 9/2022 đến hết ngày 31/8/2024. Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm.

Mặt khác, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.

Phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện từ đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Đối với các thuốc đàm phán giá, lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia cũng chia sẻ,đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2024, đợt 4 từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2025.

Đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả. Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn, gồm 701 thuốc nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng Đàm phán giá và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá.

Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.

"Trung tâm luôn có văn bản thông báo tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh", ông Lê Thanh Dũng cho biết.

Một số nhà thầu không cung ứng hoặc cung ứng chậm?

Theo lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia, các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng tới các cơ sở y tế trên cả nước.

Một số trường hợp nhà thầu không cung ứng thuốc do cơ sở y tế chưa thực hiện việc thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết. Trung tâm đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Đối với một số thuốc nhập khẩu cung ứng chậm do thiếu nguyên liệu của giai đoạn đầu khi thực hiện hợp đồng.

Việc thiếu nguyên liệu này xảy ra trên toàn cầu từ ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 hoặc chưa được Cục Quản lý Dược xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt.

Liên quan vấn đề này, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã yêu cầu nhà thầu tài trợ thuốc có tiêu chí kỹ thuật tương đương cho các cơ sở y tế trong thời gian chưa cung ứng được thuốc trúng thầu.

"Do vậy, đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Tỉ lệ sử dụng thuốc còn thấp

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia cũng chỉ ra tình hình sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đến nay tương đối thấp.

Cụ thể, theo số liệu được cập nhật về giá trị thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 30/6/2023 (thời gian thực hiện 10/24 tháng) của từng gói thầu như sau:

+ Gói 1 (miền Bắc): Đạt 24,0 % (519,5 tỷ đồng/2.162,3 tỷ đồng).

+ Gói 2 (miền Trung): Đạt 18,6 % (233,1 tỷ đồng/ 1.256,4 tỷ đồng).

+ Gói 3 (miền Nam): Đạt 19,0 % (562,9 tỷ đồng/ 2.962,9 tỷ đồng).

Cho đến điểm hiện tại, qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, tình hình sử dụng các thuốc thuộc danh mục này tại cả 3 gói thầu đạt gần 30%.

Theo các cơ sở y tế báo cáo, nguyên nhân của tình trạng này là do thời điểm dự trù thuốc diễn ra trước dịch COVID-19 nên việc sử dụng thuốc, mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân cơ bản có sự thay đổi sau đại dịch.

Để bảo đảm việc sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia,Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã thực hiện giám sát trực tiếp tới các Sở y tế, cơ sở y tế để đôn đốc việc sử dụng tối thiểu 80% số lượng thuốc các cơ sở y tế đã cam kết khi dự trù. Đồng thời, tuyên truyền tới các cơ sở y tế về việc bảo đảm dự trù thuốc phù hợp với nhu cầu, không vượt quá lớn với nhu cầu thực tế.

Trường hợp các cơ sở y tế không sử dụng đúng tiến độ thuốc đã dự trù, Trung tâm, các Sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung thuốc sẽ thực hiện chức năng điều tiết thuốc tới các cơ sở có nhu cầu, để kịp thời cung ứng thuốc, tỉ lệ sử dụng thuốc hiệu quả.

Đối với các thuốc đàm phán giá, các nhà thầu cung cấp thuốc trúng thầu ổn định, hiếm gặp tình trạng gián đoạn cung ứng.

Liên quan việc sử dụng kết quả đàm phán giá của các cơ sở y tế, đối với 64 thuốc đàm phán thành công năm 2022-2023, do hiệu quả của công tác đàm phán, có những biệt dược gốc giảm giá trên 30%, thậm chí 52%, về gần với giá của thuốc generic nhóm 1 nên cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng lên.

Vì vậy, nhiều thuốc có tỉ lệ thực hiện theo tiến độ rất cao (trên 80%) chủ yếu là các thuốc thuộc nhóm kháng sinh (meronem), tim mạch (crestor), thuốc điều trị thiếu máu (eprex 4000 U) và một vài thuốc thuộc nhóm điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch (glivec 100 mg, cellcept 250 mg).

Hiện tại, đối với 50 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Trung tâm đang tiến hành rà soát danh mục để tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế. Dự kiến, thời gian cung cấp thuốc cho cơ sở từ ngày 1/9/2024 đến ngày 31/8/2026.

Đối với các thuốc biệt dược gốc, Trung tâm đang hoàn thiện Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 86 thuốc, dự kiến trình Bộ Y tế phê duyệt trong tháng 11/2023. Đồng thời cùng thời gian này, Trung tâm dự kiến sẽ tiến hành tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc đối với 64 thuốc biệt dược gốc sẽ hết hiệu lực thỏa thuận khung vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Tỉnh sở hữu nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast 7.300 tỷ chuẩn bị đấu thầu 18 dự án

Thủ tướng yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư có tiềm lực xây nhà ở xã hội

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/khong-thieu-thuoc-thuoc-danh-muc-dau-thau-tap-trung-cap-quoc-gia-102231027170443453.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Không thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia’
    POWERED BY ONECMS & INTECH