Khu dân cư gần 50 năm không có đường đi
Suốt gần 50 qua, 32 hộ dân ở xóm Gò Tây (thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải đi “nhờ” vì không có đường đi. Mỗi khi có người đau ốm, người nhà phải khiêng võng đi ra đoạn đường hơn 500m để lên xe cấp cứu…
Mặc dù chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, người dân sẵn sàng hiến đất, góp tiền mở đường, nhưng do vướng 2 hộ dân không đồng ý nhường đất, nên việc mở đường mãi đình trệ.
Con đường “độc đạo” đầy rủi ro
Gần 5 thập kỷ qua, tuyến đường độc đạo duy nhất để người dân ở khu dân cư (KDC) Gò Tây (thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ra vào là một bờ hồ nuôi cá, tôm rộng chưa đầy 1m và kéo dài hơn 500m. Vào mùa mưa bão, con đường này trở thành nỗi ám ảnh của người dân và học sinh.
![]() |
Từ trước đến nay, bờ hồ tôm là lối đi “duy nhất” của 105 nhân khẩu KDC Gò Tây (xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi)Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Bà Nguyễn Thị Quyên (trú KDC Gò Tây) cho biết: “Mùa nắng còn đỡ chứ đến mùa mưa, bờ hồ sạt lở, mặt đường trơn, bùn nhão. Người dân phải lót từng tấm ván để các cháu học sinh đi học. Người dân ở đây đi lại té ngã cả xe, người xuống hồ như cơm bữa. Có hôm mang cá ra chợ bán, đi được nửa đường thì té, thế là cả xe máy, người và những giỏ cá rớt xuống hồ hết, tiếc đứt ruột mà chẳng biết làm sao…Nhưng giờ không đi qua lại tuyến đường này thì không còn đường nào khác”, bà Quyên nói.
KDC Gò Tây có 30 hộ dân với105 nhân khẩu, nằm ngăn cách với Quốc lộ 24B bởi dòng sông Diêm Điền và hàng loạt hồ nuôi cá, tôm nằm san sát nhau. Bờ hồ rộng chưa đầy một mét và chỉ được đắp sơ sài bằng đất, nhưng vì “bí” đường nên người dân Gò Tây đành “nhắm mắt” đi nhờ.
Ông Phạm Ngọc Tuấn (trú KDC Gò Tây) chia sẻ, mỗi năm tu bổ không biết bao nhiêu lần, cứ mỗi lần mưa, bà con trong xóm tự đóng góp tiền mua đá cấp phối rồi rải lên bờ hồ cho khỏi lầy, trơn trợt. Mỗi năm như vậy, xóm Gò Tây mất hơn 7 triệu đồng… Còn vào mùa nắng, khi người nuôi tôm xuống vụ, bao nhiêu bùn đất nạo vét lòng hồ được chất đống lên bờ hồ nên người dân lại phải góp sức người, sức của dọn dẹp bùn đất mới có thể lưu thông.
“Không có đường đã khổ, lại không có điện và nước sạch, người dân phải tự bỏ tiền kéo điện, khoan giếng để sinh hoạt... Bà con ở đây chỉ mong chính quyền sớm có giải pháp để mở đường, chứ cứ mãi thế này, chẳng biết đến bao giờ mới thoát cảnh khổ”, ông Tuấn than thở.
Người bệnh, người mất đều khốn khổ
Điều khiến người dân xóm Gò Tây lo lắng nhất là khi có người đau nặng, xe cấp cứu không thể vào, họ phải khiêng bệnh nhân bằng võng, băng qua con đường bùn lầy để ra đến đường lớn. Khổ nhất là những gia đình có người mất. Đường nhỏ, họ không thể tự khiêng quan tài ra ngoài được mà buộc phải thuê đội khiêng với chi phí rất cao.
![]() |
Không có nước sạch nên người dân cũng phải tự đóng tiền khoan giếng để sử dụng Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhi (trú KDC Gò Tây) chia sẻ“Tháng 7/2024, ông dượng bị đột quỵ giữa đêm, lúc đó cả nhà phải gọi hàng xóm hỗ trợ móc võng khiêng ra đường lớn để đưa đi cấp cứu… vài ngày sau đó thì ông mất. Những người đột quỵ thì không được sốc mạnh, nhưng vì bất đắc dĩ xe cấp cứu không thể vào được nên đành móc võng khiêng ra. Nhà nào có người mất, gia đình phải thuê đội khiêng quan tài từ 5-6 triệu đồng. Nhà có điều kiện thì không nói, chứ nhà nghèo gặp cảnh này chỉ biết khóc…”, chị Nhi thở dài.
“Địa phương đã báo cáo cấp trên, đề xuất các phương án. Một là định hướng tái định cư cho khu này, nhưng khó khăn là các hộ dân ở đây chủ yếu làm biển, có ghe, tàu nên phải di dời vào khu vực có biển. Hai là mở đường, nhưng việc bồi thường, vận động thì có 2 hộ không đồng ý. Vì vậy, địa phương chỉ có thể chờ…”.
Ông Nguyễn Duy Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa
Trước tình cảnh khốn khổ vì không có đường đi, 32 hộ dân xóm Gò Tây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Để thúc đẩy việc mở đường, những người có đất đi qua, họ thậm chí tự nguyện hiến đất. Chính quyền cũng đã xuống kiểm tra khảo sát, nhiều lần, nhưng bao năm qua vẫn chưa thấy đường đâu. Lý do là bởi còn 2 hộ dân không đồng ý hiến đất, khiến toàn bộ kế hoạch bị đình trệ.
Bà Lê Thị Thu cho hay, chỉ vì 2 hộ mà cả KDC đành phải chịu cảnh này. Họ nói không chịu nhường đất. Mấy lần họp dân, ai cũng năn nỉ, nhưng họ chỉ trả lời “ai đi được thì đi, không đi được thì thôi”, thậm chí người dân tự nguyện góp tiền hỗ trợ cho họ để họ nhường đất mà họ vẫn không chịu…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa cho biết, nhiều lần tiếp xúc cử tri, các cuộc họp, người dân đã nhiều lần ý kiến. Địa phương đã đưa tuyến đường này vào đăng ký kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ thì khu vực này vướng vào Quy hoạch của dự án Cơ sở đóng tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá Gò Tây. Do đó, không thể đầu tư.
“Trước tình hình này, địa phương đã vận động được hai đơn vị hỗ trợ làm đường cho người dân đi tạm thời. Tuy nhiên, qua làm việc với các hộ dân có bờ hồ thì họ không nhường đất. Tám hộ thì có 6 hộ đã thống nhất, còn 2 hộ không đồng ý nên cũng không thể triển khai”, ông Hiệp trăn trở.
>> Chi gần 150 tỷ đồng nâng cấp quảng trường lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi
Chi gần 150 tỷ đồng nâng cấp quảng trường lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi
Cây cầu thứ 6 bắc qua con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị hoàn thành cuối năm