Dù cơ hội kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán ngày càng ít đi, nhưng không có nghĩa là không có.
Tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường chứng khoán trước những phiên giao dịch đỏ lửa vừa qua khiến cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngày càng trở nên ít ỏi.
Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán liên tiếp chìm trong sắc đỏ và đã chính thức đánh mất mốc 1.300 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7. Hàng loạt cổ phiếu giảm giá khiến Vn-Index “đánh rơi” 17,36 điểm, lùi về mức 1.279,91 điểm.
Thực tế, thời gian qua đã có những cảnh báo từ giới chuyên gia về việc thị trường chứng khoán tăng quá nóng và giá nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn. Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến lưu ý về việc cần cẩn trọng hơn với diễn biến "rung lắc" của thị trường bắt đầu từ giai đoạn này trở đi.
Nhìn lại những thông tin liên quan đến giao dịch gần đây cho thấy, nhiều quỹ đầu tư đã có dấu hiệu bán ra để chốt lời, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 40.000 tỷ đồng. Cổ đông nội bộ cũng công bố bán ra số lượng lớn cổ phiếu, trong khi nhiều doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ hoặc huy động hàng chục nghìn tỷ đồng qua việc phát hành riêng lẻ.
Trong khi đó, dòng tiền F0 dù là yếu tố chủ đạo góp phần đưa thị trường thăng hoa trong thời gian qua nhưng chưa bao giờ có thể gọi là dòng tiền dẫn dắt thị trường, bởi chưa thể làm chủ được tâm lý trước biến động của các chỉ số. Minh chứng rõ ràng nhất là đà bán tháo ồ ạt trong những phiên giao dịch vừa qua của tháng 7 khi sắc đỏ nhuộm kín bảng điện tử.
Trước bối cảnh như hiện nay, trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III/2021.
Theo đó, trong kịch bản tích cực, BSC đánh giá Vn-Index có thể duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.500 điểm. Những yếu tố hỗ trợ thị trường là dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại, đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào sử dụng. Cùng với đó, làn sóng Covid-19 thứ 4 được đẩy lùi.
Ở kịch bản còn lại, BSC cho rằng, nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, làn sóng Covid-19 thứ 4 kéo dài và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn, Vn-Index có thể điều chỉnh về khu vực 1.320 điểm.
Tương tự, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng vừa xây dựng 3 kịch bản cho chỉ số Vn-Index vào nửa cuối năm nay. Trong đó, kịch bản tích cực là Vn-Index sớm tạo đáy và tăng trở lại vượt 1.400 điểm, tiến tới 1.500 điểm, nhưng điều này là khó xảy ra với bối cảnh hiện tại.
Tại kịch bản cơ sở, HSC đánh giá Vn-Index sẽ giảm về quanh 1.300 điểm và đi ngang - là kịch bản xây dựng trên giả định dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Còn tại kịch bản tiêu cực, Vn-Index có thể giảm về 1.200 điểm, dựa trên cơ sở dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý IV, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.
Phiên nay đáo hạn phái sinh với nhiều thông tin tích cực với việc bank được nới rộng tín dụng, 1 số bank được cấp 20-25% đó là TCB HDB VIB TPB đều là các bank đáng chú ý.
Giới chuyên gia đánh giá Vnindex phiên nay sẽ tăng và được hỗ trợ bởi các thông tin tốt về lợi nhuận đột biến một số ngành trọng điểm như ngân hàng, chứng khoán và thép.