ĐBQH: Chỉ làm thêm 100km đường sắt cao tốc nữa, ĐBSCL sẽ được kết nối , tại sao chúng ta hà tiện không đầu tư?
Theo đại biểu Quốc hội, chỉ làm thêm hơn 100km đường sắt cao tốc nối từ TP. HCM về Cần Thơ có thể khơi mở kinh tế cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 21/11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên mở rộng quy mô dự án đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đảm bảo tích hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khai thác thế mạnh của vùng đất "chín rồng".
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau phân tích, khu vực vùng núi phía Bắc và ĐBSCL có thể gọi là phên giậu của quốc gia, nơi đầu sóng ngọn gió hứng chịu nhiều "bão táp phong ba". Do đó, hai nơi này kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân khó khăn. Điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông thấp kém, khó thu hút các nhà đầu tư.
Cùng thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng ĐBSCL có vị trí và tiềm năng rất quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên, thời gian qua, chưa được phát triển tương xứng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối TP. HCM - Cần Thơ. Đây là tuyến có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối ĐBSCL với TP. HCM và sau đó có thể mở rộng ra các tỉnh cực Nam như Kiên Giang và Cà Mau.
"Từ TP. HCM về Cần Thơ chỉ có hơn 100km thôi, hiện nay hơn 1.000km rồi, thêm 100km tại sao chúng ta hà tiện không đầu tư? Chấp nhận thêm số vốn nữa tôi nghĩ người dân ĐBSCL rất phấn khởi" - đại biểu đoàn Đồng Tháp cho ý kiến.
Dự kiến, Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nhiều đại biểu kiến nghị làm đường sắt cao tốc đến Cần Thơ sẽ giúp kết nối cả vùng ĐBSCL (Ảnh hướng tuyến và 23 ga hành khách của dự án) |
Theo đề xuất, đường sắt cao tốc Bắc - Nam khởi đầu ở ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ga cuối là ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Với chiều dài khoảng 1.541km, dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố. Vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, thực hiện trong 10 năm.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam, một trong hai phần của Nam Bộ. Khu vực này có 1 thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Kết thúc thương vụ lịch sử, Vinhomes (VHM) mua tổng 247 triệu cổ phiếu quỹ
NBB muốn rót gần 4.500 tỷ đồng vào dự án treo 17 năm vừa được 'hồi sinh' tại TP. HCM