Kiến nghị thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép tại Bình Dương
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh xử lý.
Phân lô, tách thửa tự phát vi phạm nghiêm trọng
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất sai và triển khai dự án tại tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011-2019.
Thanh tra công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các huyện, thị, thành tại Bình Dương, TTCP chỉ ra rằng, có sự lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thừa tự phát, xây dựng trái phép với quy mô, tính chất vi phạm nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài (kể cả sau ngày 10/1/2014 đã có thông báo của UBND tỉnh) nhưng chưa quan tâm đúng mức, không được kiểm tra xử lý kịp thời, triệt để.
TTCP cho biết, do thời gian thanh tra ngắn, trong khi những vi phạm diễn ra hết sức phức tạp, trên nhiều địa bàn khác nhau tại các huyện, thị và thành phố trực thuộc tỉnh nên đoàn thanh tra không đủ điều kiện trực tiếp thanh tra chuyên sâu nội dung này.
“Vì vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định. Thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho TTCP” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có tình trạng dự án phát triển nhà ở thương mại chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng hoặc huy động vốn nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cần xem xét huỷ kết quả đấu giá tài sản công
Kết luận của TTCP chỉ ra rằng, nhiều dự án ở Bình Dương đã có chủ trương đầu tư, đã giao đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm triển khai dự án trong thời gian dài so với chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án đầu tư được duyệt.
Các dự án đã được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trực thuộc không xử lý để thu hồi theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, không kiên quyết xử lý các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong khu, cụm công nghiệp không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Cũng theo TTCP, tỉnh Bình Dương thu hồi trụ sở nhà, đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định Luật Đất đai 2013; vi phạm quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Mặc dù, tỉnh đã chủ động ban hành quyết định thu hồi quyết định về việc cho thuê 4 trụ sở nhà đất trên, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cho biết, trong quá trình tổ chức bán đấu giá 4 tài sản công (gồm trụ sở cũ của Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh), Sở Tài chính đề xuất và UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá lần 2 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 1, giá khởi điểm lần 3 bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm lần 2, là vi phạm Thông tư 137/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Sau đó, lấy giá khởi điểm lần 3 để đấu giá lần thứ 4, vi phạm quy định Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có khả năng tính toán giá khởi điểm của tài sản chưa chính xác.
“UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét huỷ kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luận” - kết luận nêu.
Tại bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất (giai đoạn 2015 - 2019) do UBND tỉnh ban hành, theo TTCP, có nhiều vị trí, khu vực chưa sát giá thị trường, chưa phù hợp với quy định Luật Đất đai năm 2013.
Công tác xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT dẫn đến giá đất thể chưa sát giá thị trường theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế chưa kịp thời tổ chức xác định lại giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với một số dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 có thay đổi cơ cấu sử dụng đất hoặc làm thay đổi mục tiêu của dự án. Điều này là vi phạm quy định tại Nghị định 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Qua thanh tra 12 dự án theo kế hoạch, Đoàn thanh tra phát hiện phương án giá đất cụ thể của 5 dự án tính toán chưa chính xác (xác định tổng doanh thu phát triển giả định ước tính và tổng chi phí phát triển giả định ước tính chưa đúng) cần phải tổ chức xác định lại giá đất để thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
TTCP kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành; Giám đốc nhiều Sở, Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh… chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót.
TTCP kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra những hạn chế, thiếu sót. Trên cơ sở đó có hình thức xử lý phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật đối với các tập thể cá nhân liên quan. Đồng thời khắc phục có hiệu quả những hạn chế, thiếu sót.
Phê chuẩn miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Trường ĐH Thủ Dầu Một trả lại 37 tỷ thu học phí sai cho sinh viên