Kinh doanh bết bát, doanh nghiệp thép tại Đà Nẵng chốt phương án hủy đăng ký chứng khoán

27-09-2021 11:50|Long Nguyễn

Sau Thép Đà Nẵng (DNS), CTCP Thép Dana - Ý (DNY) cũng đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu DNY và hủy đăng ký chứng khoán.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ thẳng thắn: “Không có doanh thu nên niêm yết cũng đâu được gì. Hiện doanh nghiệp âm vốn và rơi vào nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng, các ngân hàng không tài trợ vốn”.

Trước đó, Thép Dana - Ý nhiều lần bị chính quyền Đà Nẵng dừng hoạt động nhà máy. Số tiền nợ xấu tại ngân hàng của công ty là hơn 600 tỷ đồng, thiệt hại khác trên 600 tỷ đồng. Cổ phiếu DNY bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào diện cảnh báo và không có giao dịch mua bán.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông ngày 23/8/2021 của Thép Dana - Ý, Công ty có 386 cổ đông sở hữu toàn bộ gần 27 triệu cổ phần, trong đó 7 cổ đông lớn sở hữu hơn 24,73 triệu cổ phiếu, chiếm 91,61% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Toàn bộ 379 cổ đông còn lại chiếm 8,39% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, không đảm bảo điều kiện tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. 

Như vậy, Thép Dana Ý không đủ tư cách là công ty đại chúng.

Thép Dana - Ý là doanh nghiệp sản xuất thép tái chế có bề dày kinh doanh tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm lại đây, nhà máy sản xuất của Dana - Ý tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) liên tục bị người dân phản đối do những vướng mắc liên quan đến vấn đề môi trường, phải tạm ngừng hoạt động. Các phát sinh doanh thu sau đó chủ yếu là bán hàng tồn. Bên cạnh đó, các đơn kiện liên quan vẫn chưa có hồi kết thúc.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Thép Dana - Ý, doanh thu vẫn ghi nhận đạt hơn 1,45 tỷ đồng. Không sản xuất - kinh doanh nhưng công ty vẫn phải gánh khoản chi phí hoạt động, giá vốn hàng bán và cả chi phí lãi vay dẫn đến khoản lỗ hơn 82 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Kết quả này vẫn cải thiện nhiều so với số lỗ hơn 173 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Một đại diện khác là Thép Đà Nẵng cũng đã thông qua kế hoạch hủy tư cách công ty địa chúng. Tháng 6/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Văn bản số 2811/UBCK-GSĐC về việc huỷ tư cách đại chúng của CTCP Thép Đà Nẵng (DNS). Như vậy, công ty thép này chính thức rời khỏi sàn chứng khoán sau hơn 10 năm kể từ khi lên UpCOM vào năm 2010.

Việc hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng được thông qua tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 23/4/2021 do tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn chiếm 97,15% số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác chỉ chiếm 2,85%, không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% theo quy định.

Điều khá bất ngờ là quyết định trên được đưa ra khi doanh nghiệp đang có những tín hiệu tốt trong kinh doanh. 

Cụ thể, quý II/2021, công ty đạt doanh thu thuần 617 tỷ đồng - tăng 93% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt hơn 62 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, Thép Đà Nẵng lãi sau thuế 45,2 tỷ đồng, cao gấp hơn 32 lần quý II/2020. Đây cũng là quý lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Thép Đà Nẵng đạt 1.023 tỷ đồng - tăng 69% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 85 tỷ đồng. 

Như vậy, sau 6 tháng, Công ty đã đạt được khoảng 62% mục tiêu cả năm về doanh thu và vượt tới 111% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế.

Dù lãi lớn những tháng đầu năm 2021 nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Cụ thể, công ty vẫn bị âm dòng tiền kinh doanh khá lớn khi lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức âm 14 tỷ đồng cách đó một năm.

Tại ĐHCĐ ngày 23/4/2021, Thép Đà Nẵng có 160 cổ đông trong đó Tổng Công ty Thép Việt Nam có tỷ lệ sở hữu tại ngày 31/12/2009 là 30%. Hai cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Bảo Giang sở hữu 22,14% và bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư (vợ ông Giang) sở hữu 10,14%.

 

Đại gia ngành thép 15 năm trước giờ lâm cảnh lỗ nghìn tỷ sau 10 quý

Cổ phiếu một doanh nghiệp thép được dự báo tăng 1x% dựa trên tiềm năng khai thác nhà máy mới quy mô 10.000 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-doanh-bet-bat-doanh-nghiep-thep-tai-da-nang-chot-phuong-an-huy-dang-ky-chung-khoan-127974.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh doanh bết bát, doanh nghiệp thép tại Đà Nẵng chốt phương án hủy đăng ký chứng khoán
    POWERED BY ONECMS & INTECH