Chuyên gia nhận định, tuy quý I/2024 GDP tăng 5,66%, cao nhất từ 2020 đến nay, nhưng liệu là khởi đầu thuận lợi, phục hồi có bền vững hay không thì chưa chắc.
Phục hồi “chưa đáng kể”
Nhận định về những điểm sáng trong bức tranh của kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay, với con số tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% - mức cao nhất so cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi dần.
Phân tích rõ hơn những dấu hiệu phục hồi, ông Lực cho biết, nếu như năm ngoái xuất khẩu giảm thì xuất khẩu quý I năm nay đã tăng trở lại 17%, nhập khẩu tăng 13,9%, chứng tỏ đơn hàng đã quay trở lại, từ đó kéo theo sản xuất phục hồi, nhất là trong ngành dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ…
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia. |
Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng tăng lên 72% trong quý đầu năm. Thu hút FDI tiếp tục tăng 13,4% về vốn đăng ký và tăng hơn 7% về vốn thực hiện. Đặc biệt, năm nay, đầu tư công dự báo vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái.
>>60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do hai quốc gia châu Á này thúc đẩy
Cũng theo Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, lạm phát dù tăng nhưng chấp nhận được và thấp hơn nhiều nước và khu vực. Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách Nhà nước trong ngưỡng Quốc hội cho phép, do đó, rủi ro tài khóa ở mức trung bình.
Cùng với đó, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là những doanh nghiệp Nhà nước và tổ chức tín dụng yếu kém), hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, trong đó có việc hướng dẫn triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… Thông thường, trước khi các luật, chính sách bắt đầu có hiệu lực thị trường sẽ rất nhộn nhịp. Ngoài ra, các cơ chế đặc thù phát triển một số địa phương đang được tích cực triển khai sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.
Dưới góc độ của mình, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế nhận định, tuy quý I/2024, GDP tăng 5,66%, cao nhất từ 2020 đến nay, nhưng liệu là khởi đầu thuận lợi, phục hồi có bền vững hay không thì chưa chắc.
Cụ thể, ông Cung chỉ ra rằng, một trong số các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, trong quý I đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng trưởng này là chưa đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong tương lai gần.
Thêm vào đó, lĩnh vực dịch vụ từ lâu đã được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ sau quý III/2022, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực dịch vụ như tăng trưởng dịch vụ, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giảm giá liên tục đã trải qua những biến động không lường trước.
Trong quý I/2024, tăng trưởng dịch vụ chỉ đạt mức 6,12%, tăng trưởng dịch vụ theo giá hiện hành đạt 8,2% và tăng trưởng dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá đạt 5,1%. Điều này thể hiện một thách thức mới đối với sự ổn định và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam.
“Những con số của lĩnh vực dịch vụ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và đang có xu hướng đi xuống vì lạm phát có thể gia tăng trong khi thu nhập của người dân lại không tăng. Khi một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng bị xói mòn thì nền kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là đầu tư xã hội vẫn chưa quay lại. Đầu tư tư nhân chỉ bằng 1/3 - 1/4 của thời kỳ trước. Đầu tư nước ngoài cao nhất đạt 38 tỷ USD vào 2019 và năm ngoái đạt 36 tỷ USD. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, để vượt con số này không phải chuyện đơn giản.
Đầu tư tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng chính trong dài hạn. |
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định, dù đã xuất hiện nhiều cơ hội phục hồi cho nền kinh tế năm nay, nhưng trước mắt Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức.
“Đó là bởi tác động của tình hình thế giới, nhất là các cuộc xung đột; giải ngân đầu tư công chưa đột phá, không đồng đều khi vẫn có những nơi tỷ lệ giải ngân còn thấp; cơ cấu lại tổ chức tín dụng, doanh nghiệp yếu kém còn tương đối chậm so với yêu cầu; thị trường trái phiếu và bất động sản dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn chậm”, ông Lực cho biết.
>>WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Đầu tư tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng chính trong dài hạn
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2024 ở mức 6-6,5%, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần lấy chính sách tài khóa làm chủ lực, “mở rộng, có trọng tâm”. Trong đó có việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 và cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Cùng với đó, thúc đẩy và lành mạnh hóa tín dụng tiêu dùng cũng là giải pháp kích cầu.
Song hành cùng với chính sách tài khóa, vị chuyên gia này kiến nghị chính sách tiền tệ sẽ là nhóm chính sách “bổ trợ”, điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp cùng các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng, hiện đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp. Nên việc đẩy mạnh giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cải cách thể chế, tăng năng suất, liên kết vùng…Nếu phát huy, khai thác tốt 7 động lực tăng trưởng mới này sẽ giúp GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm%.
Tuy nhiên, về dài hạn nền kinh tế không thể chỉ trông chờ vào đầu tư công. Do đó, phải có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV mong mỏi doanh nghiệp kiến nghị trúng, đúng, kiên trì và cần đề xuất giải pháp cụ thể, không chỉ kêu ca. Doanh nghiệp cũng cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm quản trị rủi ro, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí...