Tăng trưởng 2024: Kỳ vọng vào đầu tư công và FDI nhưng còn nhiều rủi ro tiềm ẩn
GS. TS. Sử Đình Thành cho hay, Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng dựa vào động lực từ giải ngân vốn đầu tư công và FDI, tuy nhiên cũng có những rủi ro tiềm ẩn.
Kỳ vọng vào đầu tư công và FDI nhưng còn nhiều tiềm ẩn
Bình luận về động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, GS. TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP. HCM cho hay Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng dựa vào động lực từ giải ngân vốn đầu tư công và FDI tuy nhiên cũng có những rủi ro tiềm ẩn.
Đầu tiên là hiệu ứng và độ trễ của đầu tư công trong đối với sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trong những năm gần đây đầu tư công được bơm ra rất nhiều nhưng để tạo hiệu quả cho nền kinh tế thì cần chuẩn bị thật tốt các nguồn lực để hấp thu nguồn vốn đó.
"Điển hình như sân bay Long Thành, chúng ta còn thiếu rất nhiều trong việc chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng để đưa dự án vào vận hành và hoạt động hiệu quả", GS. Thành nói.
Ngoài ra, trong xu thế xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhập khẩu trung gian của Việt Nam đang ngày tăng và sẽ khiến nhập siêu tăng lên. Điều này khiến bài toán về tỷ giá, cân bằng cán cân thương mại, xuất nhập khẩu có thể tăng trong các năm tới.
Hạn chế tiếp theo là mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói chung và nền kinh tế TP. HCM nói riêng hiện vẫn dựa quá nhiều vào các ngành thâm dụng lao động . Chu kỳ lao động cũng đi theo chu kỳ về kinh tế của TP. HCM cũng như cả nước dẫn đến tăng trưởng GDP trồi sụt.
>>Infographics: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024
Điều này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế chưa thành công nên khó có thể cải thiện tăng trưởng. Cấu trúc kinh tế dựa trên thâm dụng lao động thì khó có thể duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao. Vốn tích luỹ của nền kinh tế cũng phần lớn dựa trên FDI và một phần là đầu tư công. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có vốn tích luỹ nhiều nhưng hiệu suất tăng trưởng lại thấp.
“Để có được mô hình tăng trưởng tốt hơn cần có chính sách sát hơn, dài hạn hơn về cả chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế đến các vấn đề về chuẩn bị nguồn lực, đào tạo lao động để đón "đại bàng" nếu khó mà duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, GS Thành cho biết.
GS. TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP. HCM |
5 điểm sáng cho tăng trưởng
Cũng bình luận về các động lực cho tăng trưởng 2024, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết tuy rằng bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong bức tranh màu xám đó cũng có một vài gam màu "tươi tắn" hơn có thể tạo động lực tăng trưởng cho năm 2024.
Theo đó ông Bảo cho rằng xu hướng lạm phát của thế giới sẽ giảm xuống, sức ép của việc tăng giá lên các chính sách tiền tệ sẽ giảm đi tạo nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ. Kinh tế Việt Nam đã đi qua những giai đoạn lạm phát lên đỉnh điểm hậu COVID-19 cũng như xung đột, căng thẳng đẩy giá lương thực nhiên liệu tăng cao. Các dự báo đều cho rằng mặt bằng lạm phát thế giới sẽ giảm trong năm 2024.
Thứ hai, ông có lòng tin tổng cầu nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn trong 2024. Tổng cầu thế giới hồi phục vì hàng tồn kho của Mỹ và EU đã đạt đỉnh vào cuối 2023 và đang giảm dần. Khi đó, các nước này sẽ phải tăng tồn kho và đây là một cơ hội tốt cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm sau.
Giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 cũng là điểm rơi của các quyết định chi tiêu, theo thống kê khoảng 2 - 2,5 năm là chu kỳ mà người dùng thay đổi smartphone hay các thiết bị cá nhân. Đây là yếu tố có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng điện tử chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó là sự hồi phục của du lịch, tăng trưởng của ngành còn rất tốt, nếu có chương trình kích thích thì mở ra nhu cầu hồi phục nội địa.
>> Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân 45.000-46.000 USD/người
Thứ ba là đầu tư công. Dù còn nhiều khó khăn nhưng vốn đầu tư công vẫn được đẩy ra. "Có thể chúng ta chưa thấy rõ hết các tác động tích cực của đầu tư công bởi nguồn vốn này được bơm ra mạnh nhất từ cuối năm 2022 khi kết thúc dịch nên điểm rơi phải vào năm 2024", ông Bảo dự báo.
Thứ tư là dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ còn nhiều. Hiện dư địa để chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, lãi suất sẽ tiếp tục giảm hoặc ít ra là không tăng. Đây là tín hiệu quan trọng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra các quyết định trong năm 2024.
Cuối cùng, ông Bảo cho rằng các chính sách quyết liệt tháo gỡ bất động sản trong năm qua đã tạo kỳ vọng dòng tiền quay trở lại thị trường bất động sản. Theo ông, bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự phục hồi của lĩnh vực này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho bức tranh chung.
Quảng Bình: Khắc phục hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024
Phân tích kỹ thuật: Kỳ vọng đầu tư công có thể đẩy giá HHV lên vùng 2x