Vĩ mô

Kinh tế quý III vượt kỳ vọng dù bị ảnh hưởng bởi siêu bão, tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 7%

Khúc Văn 07/10/2024 - 13:47

Trước kết quả GDP trong 9 tháng đạt 6,82% nhiều chuyên gia khẳng định niềm tin cả năm đạt 6,8 - 7%, thậm chí là cao hơn nếu tình hình kinh tế những tháng cuối năm thuận lợi.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và 9 tháng đầu năm ước đạt 7,4% và 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,1% cho năm 2024
Bão Yagi gây thiệt hại 80.000 tỷ đồng.

Bão Yagi gây thiệt hại 80.000 tỷ đồng

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, theo ước tính sơ bộ ban đầu, bão Yagi gây thiệt hại khoảng hơn 80.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc.

Trong ba khu vực thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng do tỷ trọng ngành giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản của 26 tỉnh bị ảnh hưởng của bão chỉ chiếm khoảng trên 20% giá trị tăng thêm cả nước nên tác động tới tăng trưởng toàn ngành của cả nước không quá cao.

Ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng do nhiều công trình thiết yếu, đường xá, cầu cống, hệ thống lưới điện, cấp nước cấp điện bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc trong những ngày mưa bão, ngập lụt làm ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, những thiệt hại về cơ sở hạ tầng chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể.

“Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp”, bà Hạnh nêu rõ.

Về dịch vụ, dù cũng chịu tác động nhưng mức độ thiệt hại không cao do thời điểm cơn bão diễn ra không phải cao điểm mùa du lịch. Bên cạnh đó, một số ngành dịch vụ có tăng trưởng tốt hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu như vận tải kho bãi, thông tin truyền thông... Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ quý III đạt 7,51%, và có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.

“Trong quý III, với điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng ổn định, ngành nông lâm thủy sản không bị giảm mạnh đã giúp tăng trưởng kinh tế đạt tăng trưởng 7,4%, phù hợp với mức cận trên của kịch bản phấn đấu theo Nghị quyết của Chính phủ là 6,5 - 7%”, bà Hạnh nêu rõ.

>>VN-Index hồi 4 điểm, loạt cổ phiếu ngân hàng áp sát đỉnh lịch sử

Nếu không có bão, tăng trưởng còn mạnh hơn

Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trong 9 tháng, GDP tăng 6,82% là một kết quả vượt mong đợi - đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và trong nước bị thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi lớn chưa từng có trong vòng 30 năm qua.

Kinh tế quý III vượt kỳ vọng dù bị ảnh hưởng bởi siêu bão, tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 7%
Nếu không có bão, tăng trưởng còn mạnh hơn.

Điều này cho thấy, sức chống chịu, khả năng thích ứng của nền kinh tế trong nước trước những cú sốc đã tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là chất lượng điều hành của Chính phủ, cơ quan bộ ngành và địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ kịp thời sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực.

“Nếu như không bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão thì tốc độ tăng trưởng của quý III cao hơn rất nhiều”, ông Bình nhìn nhận.

Tuy vậy, ông Bình cho rằng, đạt được tăng trưởng GDP cả năm từ 6,8 -7%, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn để tiếp tục phát huy những điểm mạnh của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng trong nước, ...trong thời gian qua.

“Cùng với nội lực của nền kinh tế trong nước, kinh tế thế giới cũng đang dần phục hồi, từ đó nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam sẽ gia tăng vào tháng cuối năm. Điều này sẽ củng cố niềm tin tăng trưởng đạt 6,8 - 7%, thậm chí có thể hơn nếu có nỗ lực mạnh hơn”, ông Bình kỳ vọng.

Còn theo bà Hạnh, dù tăng trưởng được kỳ vọng tiếp tục duy trì, nền kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức như sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại từ các đối tác lớn và lạm phát.

Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý IV sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý IV cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý IV cần tăng 7,5%.

Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm và đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên được hỗ trợ để giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu; và đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, dịch vụ logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, xã hội là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm”, bà Hạnh nhấn mạnh.

>> Infographic tình hình kinh tế – xã hội tháng Chín và 9 tháng đầu năm 2024

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ sau ba quý, liệu có đạt mục tiêu 15% cả năm?

XNK tăng vọt nhưng xuất khẩu ròng chỉ đóng góp 1,19% vào tăng trưởng GDP quý III

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-quy-iii-vuot-ky-vong-du-bi-anh-huong-boi-sieu-bao-tang-truong-ca-nam-co-the-dat-tren-7-252270.html
Bài liên quan
  • Kinh tế 9 tháng 2024: Chính phủ năng động, đổi mới đã tiếp sức cho các động lực tăng trưởng
    Năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Chín tháng qua chứng kiến nền kinh tế nước ta dần phục hồi, với dấu hiệu tốt dần lên theo từng quý, mặc dù có những tháng sự phục hồi khá mong manh, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
  • GDP quý III/2024 tăng trưởng 7,4%
    Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội cho biết, GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tăng trưởng GDP quý III tăng 7,4%, vẫn còn 163 nghìn DN rút lui khỏi thị trường
    Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn có tới 163 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, còn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 183 nghìn.
  • Kinh tế 9 tháng tăng trưởng tích cực
    Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,82%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế quý III vượt kỳ vọng dù bị ảnh hưởng bởi siêu bão, tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 7%
    POWERED BY ONECMS & INTECH