Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định các ngân hàng sẽ có xu hướng thận trọng hơn và đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.
Tại tọa đàm “Mùa đại hội tìm cơ hội” do Chứng khoán MBS tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định các ngân hàng sẽ có xu hướng thận trọng hơn và đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.
Theo đó, năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không hạn chế quá nhiều về vấn đề room tín dụng mặc dù đầu năm đã triển khai và trao room tín dụng cho từng ngân hàng và con số cũng ở mức độ vừa phải.
Tuy nhiên, ông đánh giá rằng với những động thái về giảm lãi suất và những phát biểu của Thống đốc và Phó Thống đốc NHNN thì trong năm nay ngân hàng nào có năng lực mở rộng tín dụng, hay ngân hàng nào có bảng cân đối kế toán lành mạnh, còn room để phát triển tệp khách hàng thì sẽ được tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng
Năm nay, “cầu” tín dụng của toàn ngành đã bị giảm. Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đạt 1,61%, giảm đáng kể so với mức 4% của năm ngoái. Những ngân hàng trong năm nay có danh mục cho vay tập trung nhiều và bất động sản thì tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ giảm đi đáng kể.
Nhìn chung, năm nay sẽ không có ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 30-40%. Chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đã là rất kinh khủng”, ông Tuấn đánh giá.
Trong đó, đáng chú ý là câu chuyện của ACB. Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản 668.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, tiền gửi tăng 8,6% lên mức 495.000 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 453.000 tỷ tăng 9,7%, lợi nhuận trước thuế dự tính 20.000 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng ACB là một trong những ngân hàng tương đối lành mạnh về bảng cân đối kế toán, không tham gia quá nhiều vào câu chuyện trái phiếu và bất động sản trong thời gian qua tuy nhiên họ vẫn có kế hoạch tương đương thận trọng.
“Tăng trưởng tín dụng 9% là mức khá khiêm tốn so với chính họ trong nhiều năm trước đây. Vì vậy có thể thấy rằng ban lãnh đạo ngân hàng cũng như giới ngân hàng đang đánh giá rằng trong năm nay việc tăng trưởng tín dụng mạnh là tương đối khó, ông Tuấn đánh giá.
Ông cũng cho rằng những kihách hàng tiềm năng, khách hàng tốt có khả năng đưa ra dư nợ tốt là tương đối khó để tìm kiếm.
“Trong năm nay những ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tốt và đồng thời có bảng cân đối lành mạnh có cơ hội rất lớn để “gạn đục khơi trong”, ông Tuấn nhận định.
Trước đó, NHNN đã có cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2023 và kết quả cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới.
Khoảng 56,4 - 75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Về lợi nhuận, 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022, trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD.
Tăng trưởng tín dụng chậm: Làm thế nào để đẩy nhanh tiền ra nền kinh tế?
Lãnh đạo ngân hàng nêu lý do khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội