Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, năm 2022 sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX và triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) đối với thị trường chứng khoán cơ sở.
Chia sẻ với báo giới mới đây về những giải pháp để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 được đánh giá sẽ tiếp tục đà hồi phục, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do diễn biến đại dịch COVID-19 còn phức tạp; căng thẳng thương mại toàn cầu, gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Trong bối cảnh đó, để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trong năm 2022, Bộ Tài chính đặt ra 4 mục tiêu trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 đồng thời tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường và mô hình bù trừ thanh toán theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế: Thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán theo lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch; sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX và triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán, lập lại kỷ cương, kỷ luật của thị trường để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; Tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, tăng sức cạnh tranh và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Theo báo cáo Chiến lược thị trường 2022 của CTCK Mirae Asset Việt Nam, môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng sẽ tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vaccine tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng với chiến lược sống chung với COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.
Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, Mirae Asset dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư được kỳ vọng tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.
Theo CTCK VNDirect, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 10 - 15% trong năm 2022.
Một số tên tuổi đáng chú ý như CTCP Bách Hóa Xanh, Bamboo Airways, Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết trên thị trường chúng khoán Việt Nam trong thời gian tới, góp phần mở rộng quy mô thị trường chứng khoán.
Ninh Thuận: Chủ tịch doanh nghiệp làm dự án nghỉ dưỡng gần 5.000 tỷ đồng bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính nói gì về đề xuất đánh thuế người có nhiều bất động sản?