Tỉnh mới Ninh Bình sau sáp nhập: Thu ngân sách top 5 Việt Nam, nhưng doanh nghiệp lớn nhất trên sàn lại là một hãng may
Dù sở hữu tiềm lực kinh tế lớn sau sáp nhập, nhưng bức tranh doanh nghiệp niêm yết tại tỉnh Ninh Bình vẫn còn khá khiêm tốn.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Ninh Bình chính thức mở rộng địa giới hành chính sau sáp nhập với hai địa phương lân cận là Hà Nam và Nam Định. Tỉnh mới có diện tích hơn 3.900km², dân số khoảng 3,8–4,4 triệu người, chia thành 129 đơn vị cấp xã.
Quy mô kinh tế của tỉnh cũng có bước nhảy vọt. Với GRDP năm 2024 ước đạt khoảng 310.000 tỷ đồng (xấp xỉ 12 tỷ USD), Ninh Bình mới lọt Top 11 tỉnh, thành có GRDP lớn nhất cả nước. Đồng thời, đây cũng là một trong năm địa phương có mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ du lịch và công nghiệp, trong đó vốn FDI đóng vai trò then chốt.
![]() |
Ninh Bình nằm trong Top 5 địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước sau sáp nhập |
Tuy nhiên, trái ngược với tiềm lực kinh tế, bức tranh doanh nghiệp niêm yết lại khá khiêm tốn. Trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp có trụ sở hoặc hoạt động chính tại địa phương này khá ít và chưa có tên tuổi nào mang tầm dẫn dắt.
Cái tên đáng chú ý nhất là CTCP May Sông Hồng (MSH) – một trong những doanh nghiệp dệt may đầu ngành với 11.400 lao động, vốn hóa khoảng 2.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mạng lưới phân phối trong nước phủ sóng 49 tỉnh thành, với gần 200 đại lý. MSH đang đầu tư mở rộng nhà máy ra thị trường Ai Cập và đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng trong năm 2025.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) – nơi Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) – đang cân nhắc chuyển trụ sở chính từ Hà Nội về “một địa phương khác”. Nhiều đồn đoán cho rằng địa điểm này có thể là Ninh Bình, nơi gắn bó với sự nghiệp của ông Thụy. Nếu thành hiện thực, LPBank với vốn hóa hơn 96.000 tỷ đồng sẽ trở thành “lá cờ đầu” của thị trường tài chính tại tỉnh này.
Trong bối cảnh Ninh Bình mới nổi lên như một cực tăng trưởng mới, khoảng trống doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn là điều dễ nhận thấy – nhưng cũng chính là cơ hội cho những “người tiên phong” trong hành trình vươn ra thị trường vốn.