Lạm phát - lãi suất và hành động của "chứng sĩ" lúc này

14-06-2022 11:02|Minh Hiếu

Xoay quanh vấn đề lạm phát, câu hỏi đặt ra từ phía các nhà đầu tư ngay lúc này là nên làm gì, hướng dòng tiền vào đâu khi lạm phát tăng cao?

Chứng khoán lại bị bán tháo

Việc thị trường chứng khoán Mỹ bị xả mạnh trong hai phiên cuối tuần trước (9 - 10/6/2022) đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường tiền số và thị trường chứng khoán Việt Nam không phải ngoại lệ trong phiên 13/6.

Dường như nỗi lo “bóng ma” lạm phát theo dữ liệu Mỹ công bố cuối tuần vừa qua lan tỏa sang các thị trường châu Á. Con số CPI của Mỹ cao kỷ lục trong hơn 40 năm và vượt ngoài dự báo của giới chuyên gia đã dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện cuộc suy thoái.

Theo đà bán mạnh cuối tuần trước, VN-Index giảm sâu trên 30 điểm ngay từ những phút giao dịch đầu phiên. Nỗ lực từ phía cầu chỉ giúp thị trường có được những đợt hồi ngắn trong phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 57,04 điểm (tương đương tỷ lệ 4,44%) xuống 1.227,04 điểm. Tồi tệ hơn, chỉ số của sàn HNX giảm đến 5,9% xuống còn 288,37 điểm.

Tổng cộng thị trường có 919 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ trong đó 236 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Riêng sàn HOSE có 162 cổ phiếu giảm sàn, rổ VN30 có 7 mã. Những cổ phiếu dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị hôm nay có HQC, ROS, FLC, IDI, ASM, SSI.

Thậm chí, mức giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên này cao hơn một số thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc (3,52%), Nhật Bản (3,01%), Đài Loan (2,36%), Philippine (0,97%).

Một điểm tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 13/6 là sự cải thiện về thanh khoản, thể hiện lực cầu thường trực mua vào. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 22.831 tỷ đồng. Riêng trên HOSE, giá trị giao dịch đạt 18.523 tỷ đồng trong khi thanh khoản phiên trước đó đạt 16.957 tỷ đồng, trung bình 1 tuần (16.550 tỷ đồng), 2 tuần (16.123 tỷ đồng) và 1 tháng (15.185 tỷ đồng).

Lạm phát trong nước đã thực sự đáng lo?

Trở lại câu chuyện như đề cập đầu bài viết, “bóng ma” lạm phát một lần nữa trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong cơn bĩ cực, nhà đầu tư đặt lệnh bán bất chấp những dự báo tích cực được công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đưa ra trước đó rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu 4% của quốc hội, nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.

lph.jpg

Trong báo cáo phân tích cập nhật đầu tháng 6, Chứng khoán BSC dự báo CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ giữ ở mức 3,6% trong kịch bản tích cực và 5,1% trong kịch bản tiêu cực do giá dầu duy trì đà tăng cao. Các giả định chính gồm giá dầu brent trung bình quanh ngưỡng 100 USD/thùng, giá lợn giao dịch trong vùng 55.000 – 80.000 đồng/kg, giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực.

Theo dự báo của những đơn vị như MBS, Mirae Asset (Việt Nam), Dragon Capital, lạm phát tại Việt Nam sẽ kiểm soát dưới ngưỡng 4% như Quốc hội thông qua và có áp lực tăng trong năm 2023. Còn theo VinaCaptial, lạm phát Việt Nam năm nay có thể đạt 4,5%, cao hơn so với mục tiêu.

Dường như trong mắt những quỹ đầu tư và công ty chứng khoán, bức tranh vĩ mô Việt Nam vẫn tương đối sáng màu. Tuy nhiên, những lo ngại về áp lực lạm phát không thể bỏ qua trước ẩn số lớn là giá xăng dầu, tình trạng leo thang của nhiều loại hàng hóa.

Trong nước, giá xăng dầu liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới trong những lần điều chỉnh gần đây. Chiều ngày 13/6, giá xăng RON95-III tăng thêm 797 đồng/lít lên ngưỡng 32.375 đồng/lít.

Trước những diễn biến về giá xăng dầu và giá lương thực, khối phân tích của VCBS cho rằng áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Theo dự báo của đơn vị này, CPI tháng 6/2022 có thể tăng 0,4 – 0,5% so với tháng 5, tương ứng mức tăng 3,08 – 3,18% so với năm trước. Điều này gửi đi những thông điệp cảnh báo tới thị trường khi tình hình vĩ mô có thể diễn biến khó lường hơn.

Tuy vậy, trong bức tranh tổng quan, vĩ mô Việt Nam vẫn đang có những điểm sáng hơn là những lo ngại. Đơn cử, nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt khi dịch COVID-19 được kiểm soát thành công, sản xuất công nghiệp, bán lẻ có sự hồi phục; hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại trong tháng 5 nhưng trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu vẫn tăng trưởng 16,3% và 14,9% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Việt Nam còn đang có những động lực tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, gói kích thích kinh tế, hoạt động thu hút dòng vốn FDI.

"Đánh chứng" như thế nào thời điểm hiện tại?

Trong chương trình "Phố Tài chính" vừa kết thúc, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện đầu tư thời lạm phát.

Theo ông Long, các doanh nghiệp niêm yết cũng như doanh nghiệp nói chung đang chịu ảnh hưởng khi giá xăng đầu, ga hay than đá đều tăng rất mạnh.

Ngoài ra, các mặt hàng phái sinh liên quan đến năng lượng, chất dẻo, hóa chất cũng tăng kém với giá xăng và giá dầu, rất ảnh hưởng tới đầu vào của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng sức cầu cũng bị giảm đi.

Việc tăng giá những loại hàng hóa gia tăng áp lực kiếm chế lạm phát của nền kinh tế. Thông thường nhắc đến hai nguyên nhân của lạm phát. Nguyên nhân thứ nhất là khi Chính phủ tung ra chính sách hộ trợ nhiều quá làm cán cân mất cân bằng, giá cả hàng hóa đi lên; thứ hai là chi phí đẩy gia tăng, nhiều hàng hóa phải xuất nhập khẩu.

Theo góc nhìn từ Giám đốc Phân tích BSC, việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kìm lạm phát sẽ ảnh hưởng tới thị trường mới nổi như Việt Nam, tác động tới mặt bằng lãi suất trong nước. 

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên toàn cầu. Các vấn đề như tài chính, cho vay, khâu vận chuyển bị gia tăng bởi giá xăng dầu của khu vực và các nước trên thế giới, từ đó ảnh hưởng tới giá trị cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

Xoay quanh vấn đề lạm phát, câu hỏi đặt ra từ phía các nhà đầu tư ngay lúc này là nên làm gì khi lạm phát tăng cao?.

Theo ông Long, lạm phát tăng cao chưa chắc đã không tốt cho việc đầu tư bởi nhiều công ty tận dụng cơ hội khi giá cả gia tăng nhiều, doanh nghiệp tăng trưởng được đánh giá rất tốt cho nhiều nhà đầu tư.

Tuy vậy, lạm phát gia tăng cũng là giai đoạn nhạy cảm tác động đến tài chính của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên đánh giá chiến lược đầu tư, xem xét những cổ phiếu có tăng hay không. Một số ngành được vị chuyên gia từ BSC đánh giá sẽ hưởng lợi khi thị trường tăng giá như điện, nước, lương thực…

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, một số ngành đáng chú ý như công nghệ phần mềm, dịch vụ du lịch, du lịch trải nghiệm khi Việt Nam có bờ biển dài 28 tỉnh thành. Ngoài ra, dệt may, da giày cũng là những ngành mũi nhọn.

Việt Nam sẽ hình thành Khu công nghệ cao thứ 5 với quy mô hơn 660ha tại tỉnh miền Bắc

Việt Nam có mỏ kim cương hay không?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-phat-lai-suat-va-hanh-dong-cua-chung-si-luc-nay-135432.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lạm phát - lãi suất và hành động của "chứng sĩ" lúc này
    POWERED BY ONECMS & INTECH