Làm thế nào để chọn sữa đúng và đủ dinh dưỡng cho trẻ em
Theo nghiên cứu, sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết. Vì vậy, chọn sữa đúng và đủ sẽ giúp phát triển tốt và nâng cao thể lực cho trẻ em.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu sữa trái cây với hình thức và công dụng quảng cáo khác nhau khiến các phụ huynh dễ vô tình lựa chọn sản phẩm sữa chưa phù hợp cho trẻ.
Để giúp độc giả hiểu rõ về những chiếc "bẫy" trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, báo Sức khỏe & Đời sống vừa tổ chức tọa đàm "Bẫy dinh dưỡng của trẻ em Việt: Làm sao chọn sữa chuẩn cho con?". Trong những "bẫy dinh dưỡng" được phân tích, "bẫy nhãn mác" nhận được nhiều sự quan tâm của khách mời.
Bữa sáng chỉ đủ no, không đủ chất
Trong năm 2022, thống kê cho thấy hơn 90% trẻ em Việt Nam đã được ăn sáng, vẫn có đến 50% trẻ không đáp ứng nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng này xuất hiện ở cả 2 nhóm: Thấp còi và thừa cân béo phì.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhiễm khuẩn TPHCM, hầu hết phụ huynh Việt Nam mắc phải thói quen: "Trong bữa sáng, con trẻ thường no bụng chứ không chắc đã đủ chất. Đầy bụng khác với đủ no. Cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tiện lợi là sữa, nhưng phải là sữa nuôi, còn các thức uống còn lại là giải khát".
Cho con uống nước trái cây nhưng vẫn tưởng là sữa
Lý giải về việc chọn sản phẩm chứa sữa cho trẻ, các khách mời tọa đàm đã chỉ ra "bệnh tâm lý" của đa số cha mẹ Việt Nam: Nhiều người cứ nghĩ sữa là tốt rồi, lại bổ sung thêm trái cây, có nghĩa là sữa có thêm trái cây chắc chắn tốt hơn, hay sữa bổ sung ca cao, thêm sô-cô-la… Tuy nhiên, khi con người luôn nghĩ thêm một cái gì có nghĩa là tốt hơn, đó chính là "bẫy".
"Khá nhiều phụ huynh chưa phân biệt được sữa nuôi và nước giải khát có chứa sữa để uống chơi", BS. Trương Hữu Khanh bày tỏ.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT, đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp phải có độ đạm đạt 2,7gr/100ml sữa.
Đại diện một thương hiệu sữa cho biết: Rõ ràng đang có hiện tượng đánh tráo khái niệm, một số nhà sản xuất và nhà cung cấp thu nhỏ những thông tin dinh dưỡng quan trọng lại và phóng to những thông tin khác để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ví dụ phóng to chữ sữa nhưng ở nhãn phụ thực ra độ đạm chỉ có 0,2 gr hoặc 0,3-0,5 gr chứ không được 2,7 gr theo quy chuẩn của Nhà nước.
Cần chú ý thông tin dinh dưỡng trên bao bì: Độ đạm trên 2,7gr/100ml là sữa thật
Chị Uyên Bùi (TPHCM) là người tiêu dùng kỹ tính, có kiến thức về dinh dưỡng. Chị thường xuyên mua sữa cho con, song vẫn nhầm lẫn về tỉ lệ sữa trong sản phẩm. Chị Uyên Bùi chia sẻ: "Chính tôi sau một thời cho con uống nước uống dinh dưỡng đã vô tình nhận ra: Thức uống đó là nước chứa carbohydrate rất cao, sữa chỉ chiếm 5%, đạm của nó chỉ có khoảng 0,3 gr. Vậy mà trên bao bì, các sản phẩm vẫn in to từ "sữa", khiến người mua hiểu nhầm".
Hầu hết các loại nước trái cây gắn mác sữa thường in chữ sữa rất to, cực kỳ bắt mắt nhưng thông tin dinh dưỡng lại rất nhỏ. Phụ huynh nên kiên nhẫn đọc đến thành phần để chọn sản phẩm tốt nhất cho con.
Cuối cùng, cha mẹ phải luôn tâm niệm: Không gì thay thế được sữa tươi nếu bạn muốn bổ sung đầy đủ vi chất quan trọng cho con. Ngoài sữa thật chuẩn đạt 2,7gr đạm/100ml, tất cả các loại nước uống giải khát, dù có chứa sữa hay không chỉ mang tính chất "đổi mới" hay "uống cho vui" mà thôi.
Mối nguy lớn từ việc phụ huynh chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ trên mạng
Cấm chơi game quá 180 phút sẽ giảm 'nghiện game', phạm tội ở người trẻ