Lần đầu tiên, ngành Xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm

17-10-2023 14:55|Tình Lê

Lần đầu tiên, ngành Xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm. Đây là mục tiêu mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành Xuất bản từ 2010 nhưng không thể thực hiện được trong nhiều năm qua.

Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản. Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). 

Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam trở thành ngày hội văn hoá

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) khẳng định, tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước đều tăng trong năm 2022. Lần đầu tiên, ngành Xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm. Đây là mục tiêu mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành từ 2010 nhưng không thể thực hiện được trong nhiều năm qua.

W-z4737364901445-363fe6bf5865dfa08403acf1e9e0d6c4-3.jpg
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Thêm vào đó, nội dung, chất lượng xuất bản phẩm được nâng lên một bước, không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, mà còn đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều bộ sách lớn, giá trị vượt thời gian đã được xuất bản như: Tổng tập văn học Việt Nam thế kỷ XX; Từ điển bách khoa Việt Nam; Các tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh; Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; hay gần đây nhất là công trình Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH, một công trình lý luận đặc biệt giá trị tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Số lượng đầu sách có lượng ấn bản lớn tăng lên. Một số tác phẩm thu hút nhiều bạn đọc và được tái bản nhiều lần, in hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn như: Đắc nhân tâm in 750.500 bản (NXB Tổng hợp TP.HCM liên kết xuất bản với First News Trí Việt), Trên đường băng in 590.000 bản, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ in 410.000 bản, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh in 331.000 bản, Mắt biếc in 299.000 bản (NXB Trẻ xuất bản); Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu in 365.000 bản (NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản với Nhã Nam), Đọc vị bất kỳ ai: Để không bị lừa dối và lợi dụng in 205.200 bản (NXB Lao động liên kết xuất bản với Thái Hà Books)...

Loại sách ngắn (sách tinh gọn, tóm tắt) được nhiều nhà xuất bản quan tâm triển khai, tiêu biểu là các nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông... Đến nay, có một số bộ sách, đầu sách hay được xuất bản theo cách này như: Nhà xuất bản Nông nghiệp đã xây dựng Tủ sách 1001 cách làm ăn nhằm xuất bản trên 100 đầu sách có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu (dung lượng dưới 50 trang), hướng dẫn người dân phương thức sản xuất nông sản chất lượng cao; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản bộ sách Vang vọng lời nước non gồm 12 tập tinh gọn từ các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, một số đầu sách về lĩnh vực kinh tế theo bộ Havard business review (10 đầu sách); Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản sách tinh gọn bỏ túi như Đề cương văn hóa Việt Nam... Đã có 7.000 podcast tóm tắt sách được cung cấp trên các nền tảng sách nói Fonos, VoizFM, Mydio, Reavol. 

Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý giảm 16,7% so với năm 2021 và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số được xuất bản. Mức độ vi phạm không có biểu hiện nghiêm trọng, do được phát hiện và xử lý kịp thời. 

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 19 đơn vị được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021) góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần.

Những nỗ lực của các nhà xuất bản này tạo thành điểm nhấn cho ngành Xuất bản thời gian qua, thể hiện ở sự tăng trưởng ngoạn mục của sách nói, audibook, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển tương đối mạnh mẽ, nâng cao vị trí, vai trò của ngành.

Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh tác giả, người làm sách, bạn đọc, phát triển văn hoá đọc, Giải thưởng sách Việt Nam ra đời, đến năm 2016 được nâng lên thành Giải thưởng sách Quốc gia, nhanh chóng trở thành một giải thưởng uy tín hàng đầu về báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ. Năm 2014, Ngày sách Việt Nam 21/4 lần đầu được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định để tổ chức trên phạm vi cả nước và đến năm 2022, Ngày sách Việt Nam được nâng tầm thành Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam, trở thành ngày hội văn hoá của cả nước.

sach111.jpeg

Thời cơ và thách thức 

Có thể nói, ngành Xuất bản đã và đang tiếp tục khẳng định sứ mệnh và vai trò quan trọng, góp phần vun đắp và phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thế giới đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đứng trước những thời cơ lớn để vươn lên thành một quốc gia phát triển. Trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chính yếu tác động đến mọi lĩnh vực trong đó có xuất bản. Ngành Xuất bản đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng hướng tầm nhìn về tương lai mới, ngành cần tập trung cao độ để thực hiện các định hướng chiến lược cụ thể.

Thứ nhất, xuất bản phải giữ vững vai trò là lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập. 

Thứ hai, xuất bản phải trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản nhiều đầu sách hay, giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sức sức lan toả, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia, hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ ba, tổ chức, sắp xếp ngành Xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá, tận dụng các nguồn lực xã hội, đưa xu thế tiến bộ, hiện đại của thế giới vào phát triển ngành Xuất bản, đưa xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ phát triển bền vững, thực hiện chuyển đổi số thành công trong hoạt động xuất bản.

Về mục tiêu, ông Nguyễn Nguyên cho rằng, đối với lĩnh vực xuất bản cần duy trì nhịp độ tăng trưởng 5,5%. Tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5 bản; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15%; đưa xuất bản Việt Nam vào top 3 khu vực Đông Nam Á năm 2025. Đối với lĩnh vực in cần duy trì nhịp độ tăng trưởng doanh thu hằng năm 6% để vượt mốc 1.000 tỷ đồng doanh thu; đưa Việt Nam vào top 3 khu vực Đông Nam Á năm 2025. Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm cần duy trì nhịp độ tăng trưởng hằng năm 5%; phấn đấu đến năm 2025, phát hành 500 triệu bản sách, đạt mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng. 

Về giải pháp, người đứng đầu Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; Đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; Tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số với việc tăng số lượng các nhà xuất bản và cơ sở phát hành xuất bản phẩm điện tử; phát triển nhà xuất bản chủ lực; Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phát triển một số dòng sách mới như sách tinh gọn, tinh lược, tóm tắt;

Phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông; chú trọng đưa sách đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển thị trường xuất, nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo xuất bản, in và phát hành theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển trên thế giới, thực hiện mô hình đào tạo gắn công nghệ số; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, quảng bá, hội chợ, triển lãm; tổ chức tốt Giải thưởng sách Quốc gia, đưa Ngày sách và văn hóa đọc hằng năm trở thành ngày hội văn hóa đọc của bạn đọc trong nước và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Jack Ma tái xuất, bàn về tương lai của AI

Sách của Han Kang cứu nguy cho ngành xuất bản Hàn Quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lan-dau-tien-nganh-xuat-ban-can-moc-6-ban-nguoi-nam-2203096.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lần đầu tiên, ngành Xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH