Láng giềng Việt Nam rót 5.800 tỷ đồng xây trung tâm dữ liệu dưới biển đầu tiên trên thế giới, mở ra tương lai điện toán siêu tốc
Với kỳ vọng tạo ra một bước ngoặt trong hạ tầng điện toán bền vững và hỗ trợ các ứng dụng AI thế hệ mới, dự án không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng nhờ hệ thống làm mát bằng nước biển, mà còn hướng tới mục tiêu phát thải bằng không.
Trung Quốc vừa bắt tay vào xây dựng trung tâm dữ liệu thương mại đầu tiên trên thế giới đặt dưới đáy biển, hoạt động chủ yếu nhờ năng lượng từ các trang trại điện gió ngoài khơi.
Nằm gần vùng biển thuộc Khu vực mới Lingang (Thượng Hải), trung tâm này đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực hạ tầng điện toán xanh của Trung Quốc – đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tính toán phục vụ AI ngày càng tăng mạnh.
Hợp tác nhiều tên tuổi lớn
Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 222,7 triệu USD (tương đương 5.825 tỷ đồng), do nhiều đơn vị Nhà nước và tư nhân phối hợp triển khai. Trong đó, các bên chủ chốt gồm Ủy ban Quản lý Khu vực mới Lingang, tập đoàn đầu tư Lingang và công ty công nghệ Hailan Cloud (Hicloud).

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của một loạt đối tác chiến lược như Shenergy, Shanghai Telecom, CCCC Third Harbor Engineering, Biren Technology và Linke Zhihua – tạo nên chuỗi liên kết từ hạ tầng, kỹ thuật đến ứng dụng.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với giai đoạn đầu là cơ sở thử nghiệm có công suất 2,3MW, dự kiến đi vào hoạt động tháng 9/2025. Giai đoạn thứ 2 sẽ mở rộng lên 24 MW, hướng đến xây dựng một cụm trung tâm dữ liệu dưới nước quy mô lớn.
Giảm điện năng, phát thải bằng không
Trung tâm dữ liệu dưới biển này gây chú ý nhờ hiệu suất năng lượng cao và cam kết giảm phát thải tối đa. Việc sử dụng nước biển để làm mát tự nhiên cho các cụm máy chủ không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điện mà còn giảm áp lực lên nguồn nước ngọt – vốn là một bài toán nan giải với các trung tâm dữ liệu trên đất liền.
Theo Hicloud, hệ thống làm lạnh sử dụng nước biển có thể giúp giảm từ 40 - 50% tổng mức tiêu thụ điện năng cho khâu làm mát xuống dưới 10%, góp phần cắt giảm tổng năng lượng sử dụng của trung tâm từ 30 - 40% so với mức thông thường.
Được biết hơn 90% năng lượng vận hành sẽ đến từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là điện gió ngoài khơi nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE) được đặt mục tiêu dưới 1,15 – một chuẩn hiệu suất cao trong ngành dữ liệu toàn cầu.

Hướng tới tương lai điện toán siêu tốc
Theo bên dự án, trung tâm dữ liệu dưới biển tại Lingang được thiết kế để phục vụ cho những ứng dụng yêu cầu hiệu năng tính toán cực lớn như AI, mạng 5G, Internet vạn vật trong công nghiệp (Industrial IoT) và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cơ sở này đủ khả năng huấn luyện các mô hình AI tiên tiến như GPT-3.5 chỉ trong vòng một ngày – điều cho thấy tốc độ xử lý và khả năng vận hành vượt trội.
Không chỉ giải quyết bài toán về quỹ đất và nguồn nước ngọt cho trung tâm dữ liệu, mô hình này còn tận dụng môi trường biển như một nền tảng tự nhiên để phát triển công nghệ hiệu quả và bền vững.
Nếu thành công, dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái công nghiệp mới, đưa Thượng Hải vươn lên thành trung tâm kết nối thông minh và AI hàng đầu thế giới.