Lãnh đạo hòn đảo lớn nhất hành tinh lên tiếng: ‘Người dân Greenland muốn độc lập khỏi cả Mỹ và Đan Mạch’
Lãnh đạo Greenland Múte Egede khẳng định lập trường độc lập, đồng thời bày tỏ sẵn sàng duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ.
Lãnh đạo Greenland, ông Múte Egede, tuyên bố hòn đảo Bắc Cực này muốn độc lập hoàn toàn khỏi cả Mỹ lẫn Đan Mạch, đồng thời sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề chiến lược. Phát biểu này được đưa ra sau một tuần đầy căng thẳng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gợi ý khả năng dùng vũ lực để kiểm soát lãnh thổ này.
"Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch, cũng không muốn trở thành người Mỹ. Chúng tôi muốn là người Greenland", ông Egede khẳng định trong một cuộc họp báo ngày 11/1. Ông nhấn mạnh rằng Greenland, với dân số 57.000 người, đang theo đuổi mục tiêu có "tiếng nói riêng" thông qua việc giành độc lập khỏi Đan Mạch. Đồng thời, ông bác bỏ nỗ lực mua lại Greenland của ông Trump.
Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ủng hộ quan điểm này, gọi mong muốn độc lập của Greenland là "hợp pháp và dễ hiểu". Tuy nhiên, bà Frederiksen nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì Vương quốc Đan Mạch – bao gồm Đan Mạch, Greenland và Quần đảo Faroe – để tăng cường vị thế quốc gia trên trường quốc tế. "Tôi tin rằng nếu chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn trong cuộc chơi toàn cầu," bà nói.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, ông Trump tuần qua đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự để đưa Greenland vào sự kiểm soát của Mỹ. Hòn đảo có diện tích lớn nhất thế giới đóng vai trò chiến lược quan trọng trong an ninh Bắc Cực, đồng thời là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ. Với nguồn tài nguyên phong phú gồm đất hiếm và các khoáng sản quý, Greenland đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả Nga và Trung Quốc.
Mặc dù có quyền tự trị trong hầu hết các vấn đề, Greenland vẫn phụ thuộc vào Đan Mạch về chính sách đối ngoại và an ninh. Việc đạt được độc lập hoàn toàn là mục tiêu lâu dài, nhưng hòn đảo này đang gặp khó khăn trong việc xây dựng một nền kinh tế đủ mạnh để tự chủ.
Ông Múte Egede dù kiên quyết bác bỏ ý định mua đảo của Mỹ, vẫn khẳng định Greenland sẵn sàng duy trì quan hệ hợp tác lâu dài với Washington. Ông nhấn mạnh quyền tự quyết của người dân Greenland, đồng thời kêu gọi bình tĩnh trước phát ngôn về khả năng sử dụng vũ lực từ phía Tổng thống Trump.
"Việc phải có đại sứ Đan Mạch đồng hành trong các cuộc đàm phán quốc tế cho thấy chúng tôi cần có tiếng nói độc lập," ông Egede nêu rõ.
Về phía Đan Mạch, Thủ tướng Frederiksen đang tìm cách thiết lập đối thoại với ông Trump, sau khi vấn đề Greenland không được đề cập trong cuộc trao đổi giữa hai bên hồi tháng 11. "Sự quan tâm của Mỹ tới Greenland là tích cực. Chúng tôi hoan nghênh tăng cường hợp tác về đầu tư, kinh doanh và khai thác khoáng sản", Thủ tướng Đan Mạch nhấn mạnh.
So với phản ứng gay gắt năm 2019 khi ông Trump lần đầu đề xuất mua Greenland, giới chính trị Đan Mạch giờ đây thể hiện thái độ ôn hòa hơn, tập trung vào khả năng hợp tác với Mỹ tại khu vực Bắc Cực.
Chính phủ Đan Mạch thừa nhận nguồn lực bảo vệ Greenland còn hạn chế, chỉ gồm 4 tàu, 1 máy bay giám sát và một số xe trượt tuyết. Mặc dù đã cam kết đầu tư thêm 2 tỷ USD, Đan Mạch vẫn phụ thuộc nhiều vào NATO và quân đội Mỹ trong việc bảo vệ hòn đảo. Trước đó, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào sân bay và khai khoáng tại Greenland đã bị Mỹ và Đan Mạch chặn đứng.
Theo Financial Times
>> Quần đảo 30.000 người được coi là “Gót chân Achilles” của châu Âu nếu Nga phát động chiến tranh
Ông Trump đe dọa áp thuế cao, gây sức ép biến Canada thành một bang của Mỹ
Đan Mạch đổi quốc huy giữa tranh cãi về Greenland với ông Trump