Tại ĐHCĐ 2022, CEO Group dự kiến phát hành 257,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100% với số cổ phần hiện có), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Tại ĐHCĐ thường niên 2022 của Tập đoàn CEO Group (HNX: CEO) kết thúc cánh đây không lâu (ngày 29/4/2022), cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi về thực trạng dòng tiền cũng như kế hoạch sử dụng tiền trong kinh doanh của tập đoàn này trong giai đoạn tới.
Tại Đại hội, nội dung được chú ý và thảo luận nóng nhất chính là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn. CEO Group dự kiến phát hành 257,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100% với số cổ phần hiện có), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Hình thức phát hành là chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (252,19 triệu cổ phần) và phát hành ESOP (5,14 triệu cổ phần). Vốn điều lệ sau phát hành là 5.146,79 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ phát hành sẽ được dùng theo phương án: đầu tư dự án Sonasea Residence 800 tỷ (thời gian sử dụng 2022 – 2023); tăng vốn cho các công ty con: CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn 1.000 tỷ đồng, Công ty TNHH C.E.O Quốc tế 200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang 200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc 105 tỷ đồng, CTCP Xây dựng C.E.O 51 tỷ đồng; bổ sung vốn lưu động 217,9 tỷ đồng.
Một cổ đông nêu vấn đề "CEO đã từng phát hành trái phiếu chưa và có dự kiến phát hành thời gian tới?".
Theo bà Vũ Thị Lan Anh - Phó Tổng Giám đốc, tính tới thời điểm này, công ty mẹ vẫn chưa phát hành trái phiếu. Tuy nhiên trong năm 2020, một đơn vị thành viên là CEO Vân Đồn có phát hành 220 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, sử dụng đúng mục đích là cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.
CEO cũng chưa có ý định phát hành. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn hoàn toàn tự tin với việc phát hành khi cần thiết nhờ thương hiệu, uy tín cũng sự minh bạch.
Một ý kiến khác đặt câu hỏi "Vì sao tập đoàn tăng vốn thời điểm này?". Theo cổ đông này, ban lãnh đạo đưa ra phương án tỷ lệ 1:1, nếu pha loãng như thế thì liệu đã tính toán, tư vấn cẩn thận chưa, việc bảo vệ quyền lợi cổ đông ra sao. Theo đó, cổ đông này đề xuất phát hành với tỷ lệ 2:1. Tức là phát hành 1 nửa so với dự kiến nhưng giá nâng lên gấp đôi.
Lãnh đạo CEO cho biết: "Với tập đoàn, đây là chuyện thận trọng. Trước đây, nhiều cổ đông lớn đã hỏi tại sao tập đoàn rụt rè vậy, tính toán cẩn thận quá, chắc ăn quá,… Thực ra mỗi lần đưa ra kế hoạch trình cổ đông, chúng tôi đã phải họp bàn kỹ càng.
Tại sao ta tăng vốn lúc này? Việc tăng vốn xuất phát từ nhu cầu sử dụng vốn của công ty. Ta vừa muốn mở rộng hoạt động, quỹ đất nhưng lại không muốn tăng vốn, điều đó… hơi mâu thuẫn. Cổ đông biết rằng tiền đầu tư dự án, trước hết là tiền tự có của doanh nghiệp, thực hiện xong nghĩa vụ ngân sách mới có thể vay ngân hàng.
Ngoài ra, cổ đông cũng biết rằng nhà nước quản lý dự án rất chặt chẽ. Doanh nghiệp phải chứng minh vốn tự có của mình. Một nguồn vốn không thể dùng để chứng minh cho nhiều dự án. Vốn của CEO là 2.500 tỷ đồng, đã phân bổ hết cho các dự án rồi. Do đó, ta muốn mở rộng danh mục dự án thì phải tăng vốn.
Tôi tin rằng mong muốn của cổ đông cũng như ban lãnh đạo đều là phát triển công ty một cách bền vững".
Một ý kiến khác chất vấn "Việc siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng tới công ty như thế nào?"
Phía CEO cho biết, thực tế không phải bây giờ mới siết tín dụng bất động sản. Chúng tôi đang hiểu rằng siết tín dụng là siết việc thực hiện một khoản tín dụng nào đó, cần thẩm định chặt chẽ, đảm bảo pháp lý và hiệu quả. Xét ở khía cạnh đó thì chúng tôi tự tin.
Về nguồn vốn, các ngân hàng không tăng “room” cho vay nhưng thời gian qua, các ngân hàng đều tăng vốn, do đó “room” cho vay cũng rộng ra.
Tập đoàn CEO Group sẽ 'bắt tay' với doanh nghiệp Nhật làm trung tâm đào tạo điều dưỡng
CEO Group "ế" 9,5 triệu cổ phiếu CEO trong đợt phát hành, 5 nhà đầu tư ôm trọn