Phía Hà Khẩu (Trung Quốc) đã tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) từ ngày 4/7/2022.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Lào Cai, phía Hà Khẩu - Trung Quốc thông báo: Từ 6h00 ngày 4/7/2022 (giờ Trung Quốc) tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành do phía Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc.
Trước đó, từ ngày 25/6/2022, phía Hà Khẩu thử xuất khẩu các mặt hàng tươi sống của Trung Quốc sang Việt Nam và thử nhập khẩu trở lại các mặt hàng nông sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu thử xuất nhập khẩu trở lại, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thiếu lái xe trung chuyển (chỉ có 01 lái xe) nên tốc độ thông quan phương tiện vận chuyển nông sản, trái cây chậm. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã trao đổi với phía Hà Khẩu (Trung Quốc) đề nghị tăng số lượng lái xe trung chuyển để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng xuất khẩu.
Ngày 28/6/2022 phía Hà Khẩu đã tăng số lượng lái xe lên 02 người và trao đổi với Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai sẽ căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh tăng số lượng lái xe trung chuyển.
Trong thời gian từ 28/6-30/6/2022, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 phương tiện vận chuyển trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Việc phía Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và chưa ấn định thời gian mở cửa trở lại. Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai khuyến cáo các doanh nghiệp tạm dừng đưa nông sản lên cửa khẩu khi chưa biết cụ thể thời gian thông quan trở lại.
Theo Bộ Công Thương, việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid" và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ước đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 509,22 triệu USD, giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,64 tỷ USD, giảm 52,5% so với kỳ năm 2021.
Trước đó, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phí Bắc dần hoạt động trở lại bình thường. Số xe hàng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ giảm kỷ lục.
Theo ông Hoàng Bá Nam - Bí thư Thành ủy Móng Cái, đây là tín hiệu tích cực trong việc nối lại thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu giữa địa phương hai nước, thể hiện sự thống nhất cao về tinh thần, quan điểm, cách làm giữa hai bên và đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, doanh nghiệp.
Việc mở lại cửa khẩu cũng khẳng định việc xây dựng phương án kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo “vùng xanh an toàn” cho hoạt động thông quan hàng hoá qua Cửa khẩu Ka Long (Việt Nam) - Bến biên mậu thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) nhằm thực hiện nghiêm thỏa thuận phòng chống dịch giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
So với việc tồn vài nghìn xe tại các cửa khẩu thời điểm đầu năm, đến thời điểm này, tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được khắc phục, hoạt động giao thương hàng hoá cơ bản trở lại bình thường.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn nhiều yếu tố khó lường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.