Lịch sử biến động giá hồ tiêu năm 2021

27-01-2022 14:08|Di Di

Năm 20221 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hồ tiêu Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đạt 937,9 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% so với năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu 260.989 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch thu về 937,9 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng kim ngạch tăng 42% so với năm 2020.

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu khi cung cấp khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của thế giới, bỏ xa các nước xuất khẩu hồ tiêu khác như Brazil, Indonesia…

Giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta đã tăng mạnh trở lại sau 4 năm sụt giảm với mức tăng 55,2% (tương ứng 1.278 USD/tấn) so với năm 2020, đạt bình quân 3.593 USD/tấn.

Riêng tháng 12/2021, trong khi giá hồ tiêu trong nước chững lại và giảm thì giá hồ tiêu xuất khẩu vẫn duy trì xu hướng tăng với mức bình quân 4.710 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 11 và tăng mạnh 70,2% so với tháng 12/2020. Đáng chú ý, đây là mức giá cao nhất đạt được trong hơn 4 năm qua kể từ tháng 9/2017.

Sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng làm giảm sản lượng hồ tiêu của Việt Nam.

Trong năm 2022, giá hồ tiêu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục do nhu cầu thị trường tăng lên trong khi nguồn cung thế giới dần thu hẹp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá tiêu khó có thể trở lại mức đỉnh cao như thời kỳ hoàng kim nhưng mức giá 100.000 đồng/kg có thể đạt được và ngành tiêu sẽ sớm lấy lại vị thế xuất khẩu tỷ đô.

Về triển vọng thị trường, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong những năm tới. Hồ tiêu của Việt Nam đang được thị trường Mỹ khá ưa chuộng khi nhập khẩu tăng liên tục trong những năm gần đây bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Còn tại EU, với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Bên cạnh đó, việc hồ tiêu Brazil xuất khẩu sang EU có những hạn chế nhất định do các vấn đề liên quan đến vi khuẩn Salmonella cũng mở ra cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Mặc dù vậy, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc có thể tiếp tục không thuận lợi. Thời gian qua, chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã gây nhiều bất lợi đối với các hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này tại các tỉnh biên giới đất liền, gây ùn ứ cục bộ.

Trong khi đó, hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu chủ yếu bằng đường bộ qua cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn.

Ngoài ra, việc giá cước vận chuyển đi châu Âu và Mỹ ở mức cao, tình trạng thiếu container rỗng, tắc nghẽn tại các cảng biển trên thế giới cũng sẽ là mối lo ngại đối với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm 2022.

Giá tiêu hôm nay 11/12: giá tiêu xuất khẩu bất ngờ tăng, thêm 100 USD/tấn

Giá tiêu hôm nay 10/12: bức tranh trái chiều của giá tiêu các nước

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lich-su-bien-dong-gia-ho-tieu-nam-2021-131534.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lịch sử biến động giá hồ tiêu năm 2021
    POWERED BY ONECMS & INTECH