Lộ diện địa phương dự kiến có đặc khu mới sau sáp nhập: GRDP 100 triệu đồng/người, lịch sử hành chính đầy biến động 3 lần 'xuất - nhập'
Trong số ba địa phương được sáp nhập, Bình Thuận nổi lên như một điểm sáng đáng chú ý nhờ sở hữu nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ban hành ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành một đơn vị hành chính mới, mang tên tỉnh Lâm Đồng, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại thành phố Đà Lạt. Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ trở thành địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 24.233km2, với quy mô dân số hơn 3,32 triệu người.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Thuận từng trải qua hai lần nhập – tách tỉnh vào các năm 1976, 1991; năm nay sẽ là lần thứ ba.

Liên quan đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh mới dự kiến thực hiện các phương án tinh gọn mạnh mẽ. Cụ thể, Lâm Đồng sẽ giảm từ 135 đơn vị cấp xã xuống còn 51 (gồm 9 phường và 42 xã), tương đương mức giảm 62,77%. Đắk Nông dự kiến sắp xếp 71 đơn vị xuống còn 28 (giảm 60,57%); trong khi Bình Thuận sẽ giảm từ 121 xuống còn 43 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 34 xã, 8 phường và 1 đặc khu hành chính – Phú Quý, tương đương mức giảm 64,5%.
Đặc biệt, tỉnh đang đề xuất thành lập đặc khu Phú Quý, trên cơ sở sáp nhập ba xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh. Trung tâm hành chính – chính trị của đặc khu sẽ đặt tại xã Ngũ Phụng. Với diện tích tự nhiên 18,02km2 và dân số khoảng 32.268 người, đây là một trong những mô hình đơn vị hành chính đặc biệt đáng chú ý trong kế hoạch tái cơ cấu địa phương lần này.
Bình Thuận là điểm sáng
Trong số ba địa phương được sáp nhập, Bình Thuận nổi lên như một điểm sáng đáng chú ý nhờ sở hữu nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo Bình Thuận, địa danh Bình Thuận lần đầu tiên xuất hiện trong sử sách vào năm Đinh Sửu (1697). Dưới triều vua Gia Long, đơn vị hành chính này được đặt lại thành dinh Bình Thuận, và đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), tiếp tục được điều chỉnh thành phủ Bình Thuận, gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa. Trong gần 130 năm, Bình Thuận đã trải qua nhiều lần thay đổi về đơn vị hành chính, từng bao gồm cả những phần đất của Ninh Thuận, Lâm Đồng và khu vực phía nam Tây Nguyên.

Khi nhắc đến Bình Thuận, người ta thường liên tưởng ngay đến một vùng đất trù phú với nhiều bãi biển tuyệt đẹp, đồi cát trải dài và những bãi cát mênh mông, tạo nên cảnh quan đặc trưng hiếm có. Đặc biệt, vị trí địa lý ven biển đã mang đến cho tỉnh nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển.
Với vùng biển rộng tới 52.000km2 – một trong ba ngư trường lớn nhất Việt Nam, Bình Thuận sở hữu trữ lượng hải sản dồi dào, ước tính từ 220.000 đến 240.000 tấn, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng giúp các vùng ven biển của tỉnh trở thành khu vực lý tưởng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, cũng như khai thác và chế biến hải sản.
Đặc biệt, huyện đảo Phú Quý, nằm ngoài khơi biển Đông và gần tuyến hàng hải quốc tế, đóng vai trò như một “nút giao” quan trọng giữa Bắc – Nam và ngư trường Trường Sa. Đây là địa điểm có tiềm năng lớn để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, du lịch biển đảo, dầu khí và các hoạt động kinh tế biển khác.

Bên cạnh kinh tế biển, Bình Thuận còn có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn năng lượng. Tỉnh hiện sở hữu ba nguồn điện chủ lực gồm: thủy điện Đa Nhim, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (cùng truyền tải qua lưới điện 110kV), và trạm phát điện diesel công suất 3.800 kWh. Không những vậy, nơi đây còn được ví như "thủ phủ" của năng lượng tái tạo với sự phát triển mạnh mẽ của nhiệt điện, điện gió và điện mặt trời – tạo nên một hệ sinh thái điện năng đa dạng và bền vững.
Nhờ sở hữu đường bờ biển dài 192 km, có đảo và nằm sát đường hàng hải quốc tế, Bình Thuận đang từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực hạ tầng cảng biển. Cảng biển Phú Quý đã được xây dựng hoàn chỉnh, đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 tấn. Trong khi đó, Cảng Phan Thiết cũng đã được nâng cấp để tiếp nhận tàu 2.000 tấn, mở ra cơ hội lớn cho phát triển logistics, thương mại và dịch vụ vận tải biển.

Về công nghiệp, Bình Thuận hiện có 7 trong tổng số 9 khu công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng diện tích hơn 1.393 ha và vốn đầu tư thực hiện vượt 1.900 tỷ đồng. Tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 89 dự án, trong đó có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 63 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 293 triệu USD và 16.823 tỷ đồng. Diện tích đất cho thuê đạt khoảng 264,2 ha, trong đó 65 dự án đã chính thức đi vào hoạt động.
GRDP 100 triệu đồng/người
Tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Thuận đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Với tổng GRDP vượt 128.700 tỷ đồng, cao gấp 33 lần so với thời điểm tái lập vào năm 1992. Từ kết quả này, Bình Thuận vươn lên xếp thứ 26 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
GRDP bình quân đầu người của tỉnh cũng đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt xấp xỉ 59 triệu đồng, cho thấy đời sống người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra.

Với nhiều lợi thế về biển, du lịch tiếp tục đóng vai trò là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Bình Thuận. Trong năm 2024, tỉnh này đón gần 10 triệu lượt khách du lịch, mang về doanh thu khoảng 25.530 tỷ đồng. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp duy trì ổn định, với sản lượng lương thực ước đạt 873.084 tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và cung ứng nguyên liệu cho các ngành chế biến.
Đáng chú ý, Bình Thuận đang là địa bàn triển khai hai dự án điện khí LNG quy mô lớn với tổng công suất lên đến 4.500 MW – gồm Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II (mỗi nhà máy 2.250 MW). Các dự án này, đặt tại Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân), được xác định là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Nhìn về dài hạn, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021–2030 ở mức 7,5–8%/năm. Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng hiện đại, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng từ 44–48%, khu vực dịch vụ từ 31–34%, nông – lâm – ngư nghiệp khoảng 15–16%, và thuế sản phẩm đóng góp từ 5–6%. GRDP bình quân đầu người được kỳ vọng đạt mức 7.800–8.000 USD vào cuối giai đoạn.
>>Sau sáp nhập, người dân thành phố này có thể đi lại trong nội thành bằng máy bay