Bố trí Giám đốc sở, Tỉnh ủy viên về làm Bí thư, Chủ tịch xã sau sáp nhập
Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin về đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Sáng 28/4, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin về đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Nội dung cuộc họp tập trung vào tiến độ thực hiện đề án, phương án bố trí nhân sự tại các xã mới sau sắp xếp và những định hướng pháp lý liên quan.
Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đến nay, 52 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã cơ bản hoàn thiện các đề án. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng được các địa phương hoàn thành tương tự. Dự kiến, ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên toàn quốc để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, ông Tuấn cho biết: “Số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nhưng bước đầu, chúng tôi tổng hợp từ các địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp giảm 60-70%, số xã còn lại khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã.”
Liên quan đến tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp, ông Tuấn thông tin rằng Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Dự thảo đề xuất hệ thống công vụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp tại địa phương. Sau khi luật được ban hành, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định hệ tiêu chí chung về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức, bao gồm công chức cấp xã. Hiện tại, tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã đang được áp dụng theo Nghị định 33/2023.
Về phương án nhân sự, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định đề án đã được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng qua ba lần trước khi trình Trung ương. Trước mắt, tổng số lượng biên chế sẽ được giữ nguyên. Lãnh đạo, công chức, viên chức cấp huyện sẽ được điều chuyển về các xã mới sau sắp xếp. Phương án nhân sự tuân thủ nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” như được nêu trong Kết luận 150 của Bộ Chính trị. Trung ương chỉ đưa ra định hướng, trong khi địa phương toàn quyền quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh khả năng bố trí nhân sự cấp cao cho các đơn vị hành chính cấp xã mới: “Không chỉ Giám đốc sở, Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên mà thậm chí địa bàn quan trọng có thể bố trí đến cả Ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh để làm người đứng đầu cấp ủy địa phương”. Việc quyết định nhân sự cụ thể, như bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch hay người đứng đầu các cơ quan chuyên môn cấp xã, sẽ do cấp tỉnh chịu trách nhiệm.

Trong vòng 5 năm tới, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để xác định biên chế cho từng cấp tỉnh và cấp xã. Trước khi bộ tiêu chuẩn này được hoàn thiện, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát tổng biên chế trong hệ thống chính trị toàn quốc, báo cáo Bộ Chính trị để xem xét và quyết định, vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.
Nguồn: Tổng hợp
Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư xã sau sáp nhập đơn vị hành chính trước ngày 15/8
Sau sáp nhập, đây là tỉnh ít dân nhưng dự kiến có 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu