Lộ diện tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam
Trong nhiều năm qua, tỉnh này đã có những bước phát triển thần tốc trên tất cả các ngành kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao đáng kể.
Chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm.
Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo về chỉ số này cho năm 2023. Theo đó, nếu xét trong cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai với mức sống đắt đỏ nhất cả nước. Được biết, Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét các tỉnh, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội.
Quảng Ninh là trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước |
Theo Tổng cục Thống kê, đối với 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, gồm có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch bằng 84,38%; giao thông bằng 93,7%; bưu chính viễn thông bằng 91,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 92,4%; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 95,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 97,01%.
Ngược lại, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 114,57%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 104%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 107,58%; đồ uống và thuốc lá bằng 103,61%; cuối cùng là giáo dục bằng 103,07%.
Trong nhiều năm qua, tỉnh này đã có những bước phát triển thần tốc trên tất cả các ngành kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng cao đáng kể. Kinh tế tỉnh Quảng Ninh phát triển sôi động, điều này một phần cũng khiến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Chỉ số SCOLI được công bố lần đầu năm 2015. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế, xã hội và đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo hay trợ cấp tiền lương. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng chỉ số này để xác định tính cạnh tranh liên quan đến thị phần, giá cả và chi phí sản phẩm.
Đề xuất Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi Việt Nam- Lào giai đoạn 2024-2029
Quốc gia có GDP bình quân đầu người kém xa Việt Nam nhưng cứ 15 phút là có thêm 1 triệu phú