Xã hội

Lò phản ứng hạt nhân mới ở Việt Nam sẽ sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ điều trị, chẩn đoán ung thư

Mộng Kha 07/07/2024 - 10:41

Lò phản ứng hạt nhân mới sẽ kết hợp với lò hiện đang hoạt động ở Đà Lạt, sản lượng dược chất phóng xạ dự kiến tăng 5-7 lần, mang lại hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân ung thư.

Mới đây, trong họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội, Bộ KH&CN cho biết đang hợp tác chặt chẽ với đối tác Nga để triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) hạt nhân tại Đồng Nai. Dự án được đánh giá sẽ là bước ngoặt y tế mới, mang hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân ung thư.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu về dự án trong buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ KH&CN tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu về dự án trong buổi họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ KH&CN tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội (Ảnh: Internet)

Thông tin trên Báo Dân Trí cho biết, lò phản ứng hạt nhân mới được lên kế hoạch xây dựng theo dạng bể, dự kiến sẽ có công suất 10MW và sử dụng nhiên liệu có độ giàu thấp do Nga sản xuất. Lò phản ứng này được thiết kế với các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động tối đa.

Đặc biệt, lò phản ứng hạt nhân mới sẽ có nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất dược chất phóng xạ, phục vụ cho việc điều trị và chẩn đoán ung thư. Khi kết hợp với lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Đà Lạt, sản lượng dược chất phóng xạ dự kiến sẽ tăng từ 5 - 7 lần.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Ảnh: Internet)

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Ảnh: Internet)

Nhiệm vụ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc bệnh ung thư, trong khi hiệu suất chữa trị trong nước hiện chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn so với tỷ lệ 70% trên thế giới. Việc tăng cường sản xuất dược chất phóng xạ sẽ góp phần nâng cao khả năng chữa trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư trong nước.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc bệnh ung thư (Ảnh minh hoạ Internet)

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc bệnh ung thư (Ảnh minh hoạ Internet)

Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang được giao nhiệm vụ xây dựng các nhóm chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực quan trọng như vật lý lò phản ứng, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic để làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường và an toàn hạt nhân.

Hình minh hoạ (Ảnh: Internet)

Hình minh hoạ (Ảnh: Internet)

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã nhấn mạnh chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam. Cụ thể, ông nêu bật những ứng dụng quan trọng của năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực như y học, nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, và sản xuất chip. Những lĩnh vực này đều gắn liền với phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng các nhu cầu thực tế của đất nước.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân công suất lớn nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Dự án này hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

>> Việt Nam sẽ có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn

Bệnh viện điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam đã vận hành cả thế kỷ, hơn 400.000 dân đến khám chữa bệnh mỗi năm

Lò phản ứng hạt nhân duy nhất Việt Nam 'hồi sinh' sau kháng chiến chống Mỹ, sản xuất phóng xạ cho cả nước 'láng giềng'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/lo-phan-ung-hat-nhan-moi-o-viet-nam-se-san-xuat-duoc-chat-phong-xa-phuc-vu-dieu-tri-chan-doan-ung-thu-d127049.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lò phản ứng hạt nhân mới ở Việt Nam sẽ sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ điều trị, chẩn đoán ung thư
    POWERED BY ONECMS & INTECH