Trong nỗ lực giúp nhà đầu tư tìm kiếm được những tài sản tốt để tích lũy dài dạn, chúng tôi "review" Tập đoàn Lộc Trời- doanh nghiệp kinh doanh cốt lõi trong ngành lương thực. Điểm sáng của Lộc Trời là đã đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị cho ngành nông.
Nhắc đến ngành nông nghiệp Việt Nam, ấn tượng của nhiều người hiện nay đã không còn là “chân lấm tay bùn” nữa, mà hình ảnh những bờ ruộng trải dài, với sự hỗ trợ của công nghệ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tại Hội nghị Quốc tế về lúa gạo lần thứ 5 diễn ra tại Colonge của Đức năm 2021 vừa qua, tên tuổi của ngành nông nghiệp Việt Nam một lần nữa lại được Thế giới biết đến qua bài phát biểu của ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời. Cũng tại Hội nghị, Lộc Trời tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên Thế giới đến thời điểm này đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa bền vững (SPR) trong 2 năm liên tiếp 2020-2021.
Lộc Trời – Doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Lộc Trời tiền thân là CTCP Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, thành lập tháng 11/1993 với vốn điều lệ ban đầu 750 triệu đồng. Nhiệm vụ ban đầu là hoạt động chính trong lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2019 công ty chính thức bước sang trang mới, đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống với bước nhảy đầu tiên là thành lập Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống. Cùng lúc đó xây dựng 2 nhà máy sản xuất nông dược là Châu Thành và Lê Minh Xuân.
Năm 2010 cũng là năm để lại nhiều dấu ấn khi công ty bắt đầu khởi động nhóm ngành lương thực với những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên được thực hiện trên khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Công ty cũng là doanh nghiệp tiên phong trong mô hình cánh đồng lớn, có diện tích trồng lúa sạch, lúa hữu cơ lớn.
Tiếp tục tiến sâu hơn trong ngành lương thực, năm 2021 nhà máy xay xát lúa gạo đầu tiên của công ty đi vào hoạt động nhằm BAO TIÊU sản phẩm cho nông dân. Với bước đi này, Công ty chính tứhc đưa ngành lúa gạo trở thành ngành cốt lõi bên cạnh 2 nhóm ngành truyền thống lâu nay là hạt giống và thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ từng bước khẳng định vị thế, định hướng vào 3 ngành nghề kinh doanh cốt lõi là ngành lương thực, ngành giống và ngành vật tư nông nghiệp, Công ty còn để lại dấu ấn lớn khi thực hiện việc gắn kết giữa công ty với nông dân, đại lý: năm 2014 công ty phát hành cổ phiếu cho nông dân, đại lý – thay cho lời cam kết về sự gắn bó bền vững, lâu dài với người nông dân.
Cái tên Tập đoàn Lộc Trời chính thức gắn liền với công ty từ năm 2015 đánh dấu bước ngoặt mới – giúp công ty tiến hành chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
Năm 2017 được xem là năm bước ngoặt của Lộc Trời khi công ty chính thức đưa cổ phiếu LTG lên giao dịch trên sàn Upcom – trở thành doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán thời điểm đó.
Năm 2019 Tập đoàn Lộc Trời một lần nữa tạo ấn tượng lớn khi triển khai dịch vụ máy bay không người lái (Drones) trong xử lý mùa vụ và triển khai vùng nguyên liệu – tiền đề cho việc triển khai vùng nguyên liệu canh tác bền bỉ đạt 100 điểm SRP (bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững). Thời điểm đó nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp không thế quên ấn tượng khi Tập đoàn Lộc Trời triển khai trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bằng Drones.
Không những vậy, đến nay dịch vụ bay Drones của Tập đoàn Lộc Trời đã được sử dụng trên nhiều loại cây trồng, nhiều địa hình khác nhau, như việc thử nghiệm phun drones trên dưa hấu tại Vĩnh Long, trên Sầu riêng tại Cần Thơ… Dịch vụ bay Drones cũng đã tiên phong hỗ trợ bà con nông dân Bến Tre dập dịch sâu đầu đen hại dừa.
Năm 2020 Lộc Trời tiếp tục trở thành doanh nghiệp tiên phong triển khai hệ thống tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA nhằm thiết lập hệ thống quản trị thống nhất cho Tập đoàn, chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ theo chuẩn Quốc tế. Đối với việc sử dụng ERP tích hợp trong app, dùng công nghệ kỹ thuật cao, Lộc Trời có thể quản lý chi tiết và chính xác các hoạt động đầu tư vào nông dân, hoạt động trồng và chăm sóc theo quy trình chất lượng và an toàn. Tát cả các hoạt động như quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý bằng QR code đều được công ty tiến hành, sớm áp dụng chuyển đổi số trong quản trị toàn diện.
Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ toàn diện từ lĩnh vực quản trị, quản lý đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tình hình kinh doanh ổn định
Về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây của Tập đoàn Lộc Trời đều ổn định, trong đó năm 2021 đạt hơn 10.200 tỷ đồng doanh thu, mức cao nhất trong lịch sử Tập đoàn. Doanh thu các năm trước đó doanh thu cũng dao động từ 7.500 đến hơn 9.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2021, doanh thu bán hàng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, tăng 128% so với năm 2020. Còn bán hàng trong lãnh thổ Việt Nam đạt khoảng 8.800 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước đó.
Năm 2020 cũng là năm bản lề, đánh đấu lần đầu tiên Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu được lô hàng gạo thơm sang thị trường Châu Âu theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Báo cáo cho biết năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng Ngành lương thực của công ty vẫn xuất khẩu được hơn 80.000 tấn gạo, tăng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm 2020. Ngành Vật tư nông nghiệp vẫn giữ nguyên giá vật tư và đảm bảo cung cấp đầy đủ cho bà con nông dân theo cam kết đồng hành, dù công ty gặp khó khăn chung của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu, vận chuyển tăng. Ngành Giống cây trồng đã sản xuất và phân phối 80.000 tấn mỗi năm các giống lúa, rau, bắp…
Cũng với doanh thu tăng, thì lợi nhuận của công ty cũng ổn định với số lãi sau thuế năm 2021 đạt 418 tỷ đồng – cũng là mức lãi kỷ lục. Các năm 2017 và 2018 cũng có số lãi sau thuế trên 400 tỷ đồng. Các năm khác từ 2015 đến nay đều đạt mức lợi nhuận sau thuế trên 300 tỷ đồng đến 370 tỷ đồng – mức lợi nhuận mơ ước.
Lộc Trời cũng là một trong số ít các doanh nghiệp không chạy theo trend tăng vốn. Nếu như năm 2015 vốn điều lệ công ty đang ở mức 672 tỷ đồng, thì đến 2018 mới tăng lên mức 806 tỷ đồng và giữ nguyên mức vốn điều lệ đó đến nay. Công ty luôn duy trì chỉ tiêu hệ số thanh toán, cơ cấu ốn ổn định – là điểm mạnh của doanh nghiệp.
Các sản phẩm chủ lực hiện nay của Tập đoàn, kết hợp cùng nông dân là các loại gạo Hạt ngọc trời và gạo mầm Vibigaba. Ngoài ra các sản phẩm giống cây trồng là các giống lúa, giống bắp; các loại thuốc bảo vệ thực vật. Và mới đây là cả cà phê Hương vị trời.
Xây dựng chuỗi giá trị trên cây cà phê
Năm 2014 Công ty chính thức triển khai xây dựng chiến lược Chuỗi giá trị trên cây cà phê, với bước đi đầu tiên là hỗ trợ người nông dân Tây Nguyên tháo gỡ những khó khăn trong việc tái canh cây cà phê.
Cũng trong năm này Công ty TNHH Cà phê Hương Vị Trời đặt trụ sở tại Buôn Ma Thuột - thủ phủ của cà phê Tây Nguyên – ra đời, đánh dấu bước đầu triển khai chiến lược chuỗi giá trị trên cây cà phê của Tập đoàn. Lộc Trời bắt tay xây dựng những vùng nguyên liệu cao cấp, tuyển chọn những hạt cà phê chất lượng nhất và chế biến với công nghệ hiện đại.
Lộc Trời – doanh nghiệp tiên phong gắn kết với nông dân
Lộc Trời không chỉ là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa công nghệ vào phát triển nông nghiệp, Công ty còn là cầu nối gắn kết mật thiết với người nông dân, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, phát hành cổ phiếu cho chính người nông dân.
Chương trình “cùng nông dân ra đồng” công ty phát động từ những năm 2006 đã tạo nên bước tiến nhảy vọt cho việc tiếp cận công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại cho cả những người nông dân. Từ 12 kỹ sư thành viên ban đầu, đến nay lực lượng “3 cùng” đã lên tới 1.200 kỹ sư cùng ra đồng với người nông dân – được tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là “lực lượng 3 cùng” lớn nhất cả nước.
Năm 2020 Tập đoàn Lộc Trời đã cùng với tỉnh An Giang xây dựng chuỗi liên kết hợp tác xã kiểu mới nhằm mục tiêu phát triển bền vững, ổn định, đưa An giang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn Lộc Trời còn là doanh nghiệp tiên phong thực hiện BAO TIÊU toàn bộ sản lượng lúa mùa nổi cho nông dân (giống lúa được xem là nguồn gốc của các giống lúa phổ biến hiện nay, là giống lúa bản địa, đang được cộng đồng khoa học và các tổ chức quốc tế chung tay bảo tồn).
Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu
Không ngừng phát triển, Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu, nhằm xây dựng một hệ sinh thái toàn diện. Trong đó từ 3 ngành cốt lõi, Lộc Trời còn mở rộng ra những ngành dịch vụ khác phục vụ cho chính doanh nghiệp và những người nông dân gắn bó cùng công ty.
Ngành Lương Thực (LTA) có vai trò ký kết các đơn hàng nông sản để cung ứng ổn định cho thị trường trong nước và thế giới – là đầu cuối quan trọng trong hệ sinh thái Lộc Trời.
Ngành Giống (LTS) có vai trò trực tiếp sản xuất và cung ứng hơn 80.000 tấn lúa giống các loại cho ngành nông nghiệp cả nước.
Ngành Vật tư nông nghiệp (LTV) chịu trách nhiệm chính đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho Tập đoàn với vai trò cung ứng các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ mùa vụ an toàn, hiệu quả cho nông dân.
Ngành dịch vụ nông nghiệp (LTF) là ngành non trẻ nhất nhưng cũng tiềm năng nhất của Tập đoàn, là mấu chốt quan trọng về kỹ thuật trong hệ sinh thái Lộc Trời giúp cho mùa vụ được canh tác khoa học, hiệu quản và an toàn nhất.
Ngành Logistics (LTL) là đơn vị hỗ trợ cho sự vận hành của tất cả các ngành khác với hệ thông kho, trung tâm phân phối và đội xe vận chuyển, giúp cho việc lưu chuyển hàng hoá được đồng bộ.
Viện nghiên cứu Nông nghiệp (LTI) với đội ngũ các chuyên gia là đơn vị nghiên cứu, phát triển giống cây trồng mới cùng các quy trình canh tác đáp ứng tiêu chí của những thị trường khó tính nhất.
Định hướng tương lai
Theo đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” và đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” thì có nhiều chủ trương quan trọng sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, nội dung các đề án ghi nhận đến năm 2025 “giữ diện tích đất lúa 3,6 - 3,7 triệu ha; diện tích gieo trồng 7,0 - 7,2 triệu ha; sản lượng lúa 40 - 41 triệu tấn. Như vậy có thể thấy Việt Nam vẫn xem an ninh lương thực gắn liền với cây lúa”. Do vậy vần tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm gạo, giúp ngành hàng mởrộng thị phần trên trường quốc tế, tạo điều kiện nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 lựa chọn được tối thiểu 300 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã tham gia hoạt động theo 12 mô hình của đề án. Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại Đồng bằng Sông Cửu Long từ năm 2020 và đạt được nhiều thành quả từ mô hình này.
--------------------
Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.