Lời cam kết của các bí thư, chủ tịch tỉnh trong ngày lịch sử của đất nước
Bắc Ninh đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn quốc, TPHCM trở thành cực tăng trưởng, Gia Lai tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi có một Việt Nam thu nhỏ.
Những lời cam kết của các bí thư, chủ tịch tỉnh, thành mới trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ không chỉ thể hiện niềm vinh dự mà còn khẳng định tinh thần trách nhiệm cao trước một dấu mốc lịch sử quan trọng.
Tại TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên gọi việc sáp nhập để hình thành nên thành phố mới là "tầm nhìn phát triển lâu dài, động lực tăng trưởng không chỉ cho vùng Đông Nam Bộ mà cho cả nước".

Ông khẳng định, thước đo duy nhất của cải cách là sự hài lòng của người dân, là chất lượng cuộc sống của từng người dân thành phố.
Không dừng lại ở phát triển, TPHCM mới sẽ là một minh chứng sống động cho “sự vận hành thông suốt của chính quyền 2 cấp”, một chính quyền phục vụ đúng nghĩa.
“Toàn bộ hệ thống chính trị TPHCM mới đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, bắt đầu ngay từ tuần này”, ông Nên khẳng định.
Ở phía Bắc, thành phố Hải Phòng mới là kết tinh giữa đất Cảng anh hùng và xứ Đông văn hiến được Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu hình dung là “cực tăng trưởng chiến lược”, không chỉ là cộng gộp địa giới mà là sự hòa quyện giữa bản lĩnh và trí tuệ, giữa truyền thống và khát vọng.

Phát biểu tại lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh ngày 30/6, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, chặng đường phía trước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng về một Hải Phòng mới, phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á”.
Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành một thành phố cảng biển quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ tầm cỡ quốc tế.
Trong khi đó, tại miền Tây Nam Bộ, tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thể hiện khát vọng lớn: “Triển khai ngay những công việc của một tỉnh mới trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm cao nhất”.
Ông khẳng định Đồng Tháp mới phải nhanh chóng trở thành điểm sáng về cải cách hành chính, hạ tầng hiện đại và tăng trưởng 2 con số, “trở thành địa phương có sức cạnh tranh, hiệu năng và hiệu lực cao”.
Nghĩ lớn, làm lớn
Với tư duy “nghĩ lớn, làm lớn”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh thông điệp hành động trong cuộc họp đầu tiên hôm qua của UBND tỉnh sau khi hợp nhất: Không chấp nhận sự chia rẽ; sẵn lòng vun vén lợi ích chung cho tỉnh, bỏ qua suy nghĩ lợi ích bản thân mình.

Bắc Ninh mới, với không gian rộng hơn và kỳ vọng lớn hơn, sẽ theo đuổi mục tiêu “tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn quốc” ngay trong năm đầu sau sáp nhập.
“Chúng ta phải nghĩ lớn mới làm lớn, vì lợi ích chung, cho sự phát triển bền vững của tỉnh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, năm nay, Bắc Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Thậm chí, tỉnh mạnh dạn đặt ra mục tiêu tăng trưởng đứng đầu toàn quốc.
Tại Tây Nguyên, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai không ngần ngại thừa nhận những thách thức “khi chưa có doanh nghiệp đầu tàu, chưa có dự án dẫn dắt”. Nhưng ông cũng tin rằng, với lợi thế của “một Việt Nam thu nhỏ” - từ cao nguyên đến biển, từ đồng bằng đến hạ tầng cảng, Gia Lai mới sẽ bứt phá nếu biết tận dụng “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.
“Chúng ta phải loại bỏ tư tưởng đầu tư riêng cho Bình Định hay Gia Lai cũ. Chúng ta phải làm những việc có lợi cho sự phát triển chung”, ông khẳng định.
Những phát biểu ấy là sự đồng thuận về một tinh thần mới, tinh thần “không để cơ hội trôi qua, không để bộ máy trì trệ”.
Từ Bắc đến Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng, các tân lãnh đạo địa phương đều hiểu rằng điều người dân cần không phải là lời nói mượt mà, mà là hành động cụ thể, hiệu quả, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Nhà nước phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất”.
Nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh thay đổi vị trí công tác
23 Chủ tịch tỉnh, thành mới có nhiều tiến sĩ, thuộc thế hệ 7X