Lý do gì khiến 11 tỉnh, thành này giữ nguyên khi cả nước thực hiện sáp nhập?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại cấp xã trước ngày 30/6. Từ ngày 1/7 các nghị quyết sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, xã sẽ có hiệu lực thi hành.
Bộ Nội vụ vừa hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, cả nước có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp và 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thuộc diện sắp xếp là thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Việc sắp xếp này của Bộ Nội vụ căn cứ theo các tiêu chí mà Bộ Chính trị đã xem xét, thống nhất. Cụ thể, các tiêu chí khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm: diện tích tự nhiên, quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dù có những tiêu chí được thống nhất, song khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải căn cứ vào những trường hợp cụ thể.
Ngoài các yếu tố “cứng” như diện tích, dân số, điều quan trọng khi sáp nhập là tạo nên không gian, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực sẵn có của địa phương, phải liên kết và khai thác được các tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, hướng tới phát triển bền vững cho đất nước.
Ông Thắng cho rằng việc giữ nguyên Hà Nội và Huế là phù hợp bởi Hà Nội đã thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính năm 2008 và sáp nhập Hà Tây; còn Huế vừa mới được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương đầu năm nay.
Đối với 9 tỉnh còn lại, ông Thắng cho rằng việc giữ lại các tỉnh này có thể liên quan đến tiêu chí về quốc phòng, an ninh và diện tích, vị trí địa lý, quy mô kinh tế như tiêu chí chung mà Bộ Chính trị đã đưa ra.
>>Bất ngờ quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sắp xếp
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, chia sẻ với báo Dân trí, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, một số tỉnh đang có không gian phát triển tốt, không cần thiết sáp nhập với tỉnh khác.
Cụ thể, theo ông Chính, Quảng Ninh là tỉnh có biên giới với Trung Quốc, cũng là tỉnh có biển và đã phát triển rất tốt. Ông Chính chia sẻ thêm, Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển nhất ở miền Bắc vì có cảng, có du lịch, có kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Ông Chính cho biết, giả sử đặt vấn đề sáp nhập Quảng Ninh với tỉnh gần kề thì cũng thấy không cần thiết.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, tỉnh này có hệ thống giao thông kết nối với nước bạn Trung Quốc. Bên cạnh đó, địa phương này cũng được nhìn nhận, tính toán là đủ điều kiện phát triển, bởi đây là tỉnh có nhiều khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra, ông Chính cho biết, Lạng Sơn cũng là địa danh đi vào lịch sử và cũng là điểm đầu kết nối đường bộ, đường sắt quốc tế qua cửa khẩu Hữu Nghị quan.
Đối với tỉnh Cao Bằng, ông Chính cho biết, tỉnh này cũng đủ điều kiện phát triển khi có nhiều khu kinh tế cửa khẩu, đất đai, khoáng sản thuận lợi. Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng là “cái nôi” của Cách mạng, là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngoài ra, ông Chính cũng khẳng định, Nghệ An có đầy đủ tiêu chí đã được đặt ra và sẽ tiếp tục chủ động trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Nghệ An đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của vùng khi thành phố Vinh là đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.
Với Hà Tĩnh, nhiều năm qua, kinh tế của địa phương này luôn tăng trưởng khá khi có khu công nghiệp Vũng Áng nổi tiếng với nhà máy thép và cảng nước sâu. Ông Chính khẳng định, đây là địa phương có đầy đủ tiêu chí và đủ dư địa cho không gian phát triển toàn diện với việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo, nâng cao giá trị văn hóa lịch sử của địa phương mình – quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.
>>Một tỉnh không thuộc diện sáp nhập thu gần 2.700 tỷ trong 9 ngày chỉ từ một ngành
Chủ tịch tỉnh chọn chủ tịch xã như thế nào khi không còn cấp huyện, sáp nhập xã?
Tổng Bí thư Tô Lâm: Sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng để phát triển với tầm nhìn mới