Sống

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không?

Việt Đan 26/07/2023 - 08:52

Tình cờ gặp trong một dự án làm nhạc kịch cho thiếu nhi Hà Nội, tôi khá hứng thú với một nhóm bạn trẻ yêu âm nhạc dân tộc. Cả nhóm đang rất hào hứng sáng tác những bài hát mới mang âm hưởng dân gian dành riêng cho trẻ em sẽ trình làng trong dịp Trung thu sắp tới.

Đàm Thái Hà, sinh năm 1994, hiện đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, một cô gái sinh ra tại Nga từng học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, có gần 20 năm gắn bó với cây đàn tỳ bà, cũng là thành viên của nhóm bạn trẻ phụ trách âm nhạc cho vở kịch “Đồng dao Cổ tích” chia sẻ, lấy màu sắc dân gian làm xương sống, nhưng âm nhạc cho dự án này sẽ không cũ kỹ mà có sự giao thoa đan quyện với hơi thở thời đại.

Nhóm trẻ hi vọng đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với thiếu nhi Việt Nam, với công chúng đương đại, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 1

Một buổi chiều muộn, trong căn phòng nhỏ trên phố Lê Văn Lương, Hà Nội, Đàm Thái Hà cùng với hai người anh là Lê Xuân Khoa và Vũ Đỗ Quang Minh đang ngân nga những giai điệu dặt dìu của bài hát “Hoa thơm bướm lượn”. Giai điệu “í ơ ớ ơ” quen thuộc của làn điệu quan họ Bắc Ninh vang lên mộc mạc, nhưng lời hát thì hoàn toàn mới mẻ: “Ai trong đời cũng có sai lầm. Nhưng con người lúc mới sinh vốn đã lương thiện... Hãy cùng chăm sóc những hạt giống xanh. Hãy làm tươi tốt khu vườn xung quanh…”.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 2
Nghệ sỹ Đàm Thái Hà

Lời ca hiện đại này là những ca từ đầu tiên nhóm viết cho dự án nhạc kịch “Đồng dao Cổ tích” sắp ra mắt, là lời hát cất lên bởi nhân vật Cám, nhân vật Cám xuất hiện với những hành động và suy nghĩ khác xa với hình ảnh quen thuộc trên trang sách.

Không chia sẻ nhiều về nội dung vở kịch, điều mà Thái Hà muốn nói nhất là công sức, nỗ lực của cả nhóm trên hành trình mang âm nhạc dân gian đến gần hơn trẻ em. Theo đó, người viết lời cho tất cả các bài dân ca cũng như sáng tác mới trong vở kịch là nhà văn trẻ Lê Xuân Khoa, khâu biên soạn âm nhạc cùng hoà âm, phối khí sẽ do hai nghệ sỹ Vũ Đỗ Quang Minh và Đàm Thái Hà thực hiện.

Lê Xuân Khoa chia sẻ: “Cả ông nội và ông ngoại tôi khi xưa đều là những người biết chơi nhạc truyền thống, người biết kéo nhị, người biết cầm chầu, đánh trống. Bố mẹ tôi dù vẫn nghe dân ca và nhạc cổ truyền nhưng không còn am hiểu như các ông. Đến lượt tôi thì hoàn toàn đứt đoạn, chẳng biết gì nữa. Tôi vẫn thích đàn hát, là cây văn nghệ ở mọi tập thể tôi tham gia nhưng đến tận năm 30 tuổi tôi vẫn chỉ chơi nhạc mới. Tôi trải nghiệm từ pop đến rock, rap, R&B, đã hát từ nhạc UK-US đến nhạc Trung, nhạc Nhật, nhạc Hàn... Rồi đến một ngày, nhân duyên cho tôi quay trở về với âm nhạc cổ truyền”.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 3
Nhà văn Lê Xuân Khoa

Một lần bén duyên với nhạc dân tộc, như cá gặp nước, Lê Xuân Khoa nhận ra giọng hát của mình có những tố chất cực kỳ phù hợp với nhạc cổ truyền. Bản thân Lê Xuân Khoa, dù không phải một người học nghệ thuật chính quy, nhưng anh may mắn có cơ hội được các thầy cô, nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội nhiệt tình chia sẻ, chỉ bảo cho tôi cả chuyên môn lẫn chuyện đời, chuyện nghề. “Với nhạc hiện đại, có khi mình tình cờ nghe loa siêu thị phát xong về đã hát karaoke được, còn nhạc dân tộc thì phải khổ luyện, uốn nắn từng câu từng chữ mà có khi hàng năm trời vẫn chưa đâu vào đâu. Và dù là thể loại nhạc nào, nếu muốn hát hay thì chúng ta phải đưa được tâm hồn mình vào”, Lê Xuân Khoa chia sẻ.

Giữa thời đại bùng nổ internet, nghiện mạng xã hội như hiện nay, Khoa nói, anh thầm cảm ơn vũ trụ đã sắp xếp để anh được học nhạc truyền thống, được mặc áo ngũ thân. “Tôi hơi lo lắng khi thấy một thực trạng là ở các trường học hiện nay, các bạn nhỏ biết hát rất ít bài hát Việt Nam chứ chưa nói đến dân ca. Một chương trình văn nghệ tôi xem dày đặc các bài hát tiếng Anh”, Khoa nói. Sau khoảng 10 năm tham gia rất nhiều các hoạt động biểu diễn, quảng bá, hội thảo, toạ đàm… năm 2023, Lê Xuân Khoa được mời làm thầy giáo hướng dẫn, giới thiệu âm nhạc truyền thống cho các thế hệ kế cận.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 4

“Tháng 2/2023, tôi được mời dạy hát Chèo cho sinh viên trường Đại học FPT Hà Nội. Các bạn trẻ trước đó còn chưa từng nghe Chèo, nhưng các bạn chịu khó và tiếp thu khá nhanh. Khi Nhà hát Chèo Việt Nam đến trường biểu diễn, các bạn đã tự tin đứng trên sân khấu. Đến tháng 6/2023, tôi nhận lời dạy dân ca cho các bạn nhỏ ở một trại hè dành cho thiếu nhi. So với các bạn sinh viên FPT, các bạn nhỏ ở đây non nớt hơn, làm sao để các bạn chịu hát cũng đã là một thách thức lớn. Thế mà sau những bỡ ngỡ ban đầu, các bạn cũng đã làm quen được với những giai điệu dân tộc đòi hỏi sự mềm mại, uyển chuyển. Ở chặng đầu tiên của trại hè, tôi dạy cho các bạn nhỏ bài “Hoa thơm bướm lượn” và “Dạ cổ hoài lang” để các bạn hình dung về âm hưởng Bắc Bộ và Nam Bộ. Các phụ huynh đều rất kinh ngạc khi xem các bạn tự tin biểu diễn những tiết mục này. Họ không tin nổi con mình có thể hát được quan họ, hát được cả bài kinh điển của nhạc tài tử Nam Bộ”, Lê Xuân Khoa tự hào kể lại.

Rồi anh chiêm nghiệm, lũ trẻ cũng như anh trước đây, không phải các con không thích và không thể thấm được nhạc dân tộc mà chỉ là, các bạn nhỏ chưa được tạo điều kiện tiếp xúc, chưa có cơ hội để nhìn thấy những cái hay cái đẹp trong nhạc dân tộc. “Lời ca tôi viết cho các bài hát rất đơn giản, trong sáng để trẻ em có thể hiểu được, nhưng phía sau nó vẫn có chiều sâu để người lớn có thể đắm chìm vào”, Khoa cho biết.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 5

Một trong những dự án giúp Lê Xuân Khoa truyền cảm hứng yêu nhạc dân gian, trao cho trẻ em hiện đại cơ hội sống trong những giai điệu trữ tình say đắm là vở nhạc kịch “Đồng dao Cổ tích”. Không giống như rất nhiều dự án khác dành cho trẻ em Thủ đô, điểm đặc biệt của vở kịch là phần âm nhạc hoàn toàn mang âm hưởng dân gian.

Ba thành viên trong nhóm phụ trách âm nhạc vở kịch đều là những người có thâm niên gắn bó với âm nhạc dân tộc. Đó là Vũ Đỗ Quang Minh, sinh năm 1991, là nghệ sĩ đàn tranh, đồng thời sở hữu những sáng tác nhạc khí viết cho độc tấu và song tấu như “Hoa quỳnh”, “Mầm Sống”, “Bạch Đằng Giang”, “Ánh trăng trên ngôi đền cổ”, “Đám cưới chuột”… Năm 2017, Quang Minh giành huy chương vàng tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa khi thể hiện tác phẩm “Hoa quỳnh” của chính mình. Khả năng chơi đàn cùng những sáng tác của anh đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia và được công chúng đón nhận.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 6
Nghệ sỹ Vũ Đỗ Quang Minh

Đó là tài năng trẻ Đàm Thái Hà đã tham gia nhiều chương trình, sự kiện phục vụ công tác chính trị và ngoại giao, biểu diễn ở nhiều quốc gia như: Tham gia dàn nhạc Youth Philharmonic Orchestra do Turken Foundation tổ chức, biểu diễn tại Carnegie Hall, Manhattan, New York, Hoa Kì (2015); Biểu diễn trong Lễ Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, Ngày Việt Nam tại Đan Mạch (2016); Biểu diễn kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại Hàn Quốc (2017); Biểu diễn tại Ngày Quốc Gia Việt Nam tham gia triển lãm thế giới EXPO 2020 tại Dubai, UAE (2021)… Thái Hà cũng tham gia dàn dựng, sản xuất các vở nhạc kịch: “Góc phố danh vọng” (2012, 2013, 2016), “Đêm hè sau cuối” (2013, 2016), “Mộng ước không xa vời” (2017).

Theo nhà văn Lê Xuân Khoa, anh không muốn chạy theo bất cứ “hot trend” nào, chỉ đơn giản muốn dốc sức kéo lũ trẻ đến gần hơn âm nhạc truyền thống. Một vở nhạc kịch cho trẻ em mà chỉ có âm nhạc dân gian có “mạo hiểm” không? Chắc chắn là một nỗ lực khá phiêu lưu giữa dòng chảy không ngừng của internet và các ứng dụng công nghệ hấp dẫn liên tục ra đời. Nhưng với những người yêu âm nhạc dân tộc như Khoa, đó sẽ là trải nghiệm thực sự thú vị.

Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không? ảnh 7

Theo Vũ Đỗ Quang Minh, âm nhạc truyền thống kết hợp với một sân khấu rực rỡ, một kịch bản hấp dẫn... sẽ khiến trẻ cảm nhận dễ dàng hơn, dễ nhập tâm vào một thế giới cổ tích đẹp siêu thực. Anh hi vọng những nỗ lực của cả nhóm sẽ truyền cảm hứng, truyền tình yêu nhạc dân tộc đến thế hệ măng non mới. “Những bài đồng dao, những làn điệu dân ca... được biên soạn riêng cho vở diễn để các bạn nhỏ dễ hát theo, dễ thuộc, và dễ cảm nhận. Âm nhạc không chỉ giúp trẻ em thăng hoa, vỡ oà trong từng cung bậc cảm xúc của các nhân vật cổ tích mà còn là một hành trình khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tinh thần hướng về cội nguồn”, Vũ Đỗ Quang Minh nói.

beige-brown-minimal-organic-creative-project-presentation-5-4069.png

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Gia vị đắt đỏ thứ 3 thế giới thu hoạch kỳ công, ở Việt Nam trồng rất nhiều nhưng người dân lại ít sử dụng

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/mang-nhac-co-truyen-den-tre-em-tai-sao-khong-post136662.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mang nhạc cổ truyền đến trẻ em, tại sao không?
    POWERED BY ONECMS & INTECH