Theo Hiệp hội Ngân hàng, trung bình mỗi năm MasterCard và Visa thu từ 1 ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, còn được gọi là "ma trận phí" khiến cho tổng phí thu có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ là phương thức phá bỏ "ma trận" phí thẻ tín dụng.
Tại hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" diễn ra 21/5, PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Trường Đại học Đại Nam nhận định: ngoài phí thường niên phải đóng, các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thẻ tín dụng nội địa cũng ít hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Phí tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 2% đến 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa, phí này chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.
>> Chưa đầy 1% dân số Việt Nam có thẻ tín dụng nội địa
Theo Hiệp hội Ngân hàng, trung bình mỗi năm MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, còn được gọi là "ma trận phí" khiến cho tổng phí thu có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Thậm chí, việc thu tiền này còn được nhận định là "phí chồng phí", khi phí giao dịch chiếm 80% tỷ trọng các loại phí) vừa bị thu theo số lượng giao dịch, vừa bị thu theo doanh số của giao dịch. Điều này vô hình chung cũng dẫn tới việc ngân hàng thu phí từ người dùng khi sử dụng thẻ tín dụng.
Theo ông Đức, kỷ nguyên công nghệ 4.0 và đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng thanh toán chi tiêu từ truyền thống bằng tiền mặt, sang hình thức thanh toán thẻ.
Điều này cũng được thể hiện thông qua số liệu tăng trưởng sử dụng thẻ từ Ngân hàng nhà nước, trong vòng 5 năm từ 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa được phát hành có mức tăng trưởng bình quân là 29,6%, cao hơn thẻ quốc tế là 17,72%/năm.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, tính đến tháng 7/2023, tỷ trọng của thẻ tín dụng nội địa chiếm 6% trong đó, thẻ tín dụng quốc tế chiếm 94%.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết thêm, thường thì số loại thẻ tín dụng nội địa phát hành tại các NHTM chỉ chiếm 1/6 đến 1/10 so với số loại thẻ tín dụng quốc tế được phát hành.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức dẫn chứng: "Tại Agribank, có tổng cộng 7 loại thẻ tín dụng khác nhau, trong đó, thẻ tín dụng nội địa là 1 loại thẻ, và 6 thẻ còn lại là thẻ tín dụng quốc tế. Thực trạng này cũng gặp tại ngân hàng Sacombank, nơi có doanh thu từ thẻ tín dụng nội địa cao nhất, cũng ghi nhận 1 loại thẻ tín dụng nội địa được phát hành, trên tổng số 12 loại thẻ tín dụng tất cả. Duy nhất chỉ có ngân hàng Nam Á, là phát hành số loại thẻ tín dụng nội địa nhiều hơn loại thẻ tín dụng quốc tế là 1 thẻ".
>> Chỉ 4% dân số Việt Nam có thẻ tín dụng: Nguyên nhân do dân trí tài chính thấp?
PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Báo Lao động |
Phát triển thẻ tín dụng nội địa sẽ là phương thức phá bỏ ma trận phí thẻ tín dụng
Kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng.
“Theo kết quả phân tích chuyên sâu 26 người dùng, là những người trực tiếp đang sử dụng hoặc đã có kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng, lợi ích của thẻ tín dụng là một trong những điểm cân nhắc khiến khách hàng quyết định lựa chọn mở và sử dụng dòng thẻ này. Đối với giá phí, việc miễn phí thường niên là một trong những điều khiến cho người dùng cảm thấy hài lòng.
Về tính năng của thẻ, người dùng mong muốn quản lý việc chi tiêu, cài đặt các hạn mức chi tiêu để không dùng tiền quá mức, và tính năng liên kết với các quỹ đầu tư, để có thể kiểm soát được nhu cầu đầu tư nhanh chóng, tiện lợi.
Về chính sách ưu đãi, người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hoàn tiền dựa trên các giao dịch chi tiêu, các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc quyền về du lịch như phòng chờ sân bay, khách sạn. Ngoài ra, đối với người dùng là khách hàng trẻ, còn mong muốn được thể hiện cá tính riêng bằng việc thiết kế các thẻ độc bản cho mình” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức kiến nghị.
Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, để gia tăng sử dụng thẻ tín dụng nội bộ của các NHTM một cách ổn định và thực sự có ý nghĩa, ngoài việc giảm thiểu các loại phí và khuyến khích người tiêu dùng, các NHTM cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các giải pháp công nghệ và áp dụng Fintech để giảm thiểu cả chi phí tài chính, chi phí cơ hội và chi phí giao dịch cho người sử dụng thẻ.
Một điều quan trọng khác cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi NHTM để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng sử dụng thẻ do các NHTM Việt Nam phát hành ra mới có được những tiện ích như sử dụng thẻ tín dụng quốc tế.
“Để thực hiện những giải pháp được đề xuất trên đây, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các NHTM cũng như các đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán, thì sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng về tổ chức, giám sát và hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa mang tính quyết định.
Gỡ bỏ những rào cản để phát triển sử dụng thẻ tín dụng cần phải được đặt gắn với quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính, phối hợp chặt chẽ với Chương trình tài chính toàn diện và đặt trong bối cảnh phát triển bền vững (ESG) của các NHTM Việt Nam” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức khẳng định.
>> Gần 90% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản thanh toán
Gần 90% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản thanh toán
Thói quen thanh toán dịch vụ công trực tuyến chuyển biến ra sao?