Mất việc ở tuổi trung niên: Cần chấp nhận và gạt bỏ sĩ diện
Nếu rơi vào tình trạng mất việc, chuyên gia khuyên người lao động trung niên nên chấp nhận sự thật, chủ động tìm kiếm cơ hội mới thay vì suy nghĩ tiêu cực.
Trong một video mới đây, ông Lâm Minh Chánh - Nhà sáng lập và Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni đã có những chia sẻ về vấn đề mất việc ở tuổi trung niên. Ông cũng nêu rõ các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và những giải pháp giúp người lao động thích nghi với bối cảnh thay đổi liên tục của thị trường lao động.
Vì sao nhiều người trung niên mất việc?
Theo chuyên gia, có nhiều lý do khiến người lao động trung niên bị thay thế trong môi trường làm việc hiện đại. Thứ nhất, người lao động có thâm niên thường có mức thu nhập cao hơn đáng kể so với nhân sự trẻ tuổi. Điều này khiến doanh nghiệp cân nhắc thay thế họ bằng những nhân sự trẻ với mức lương thấp hơn để tối ưu chi phí.
Thứ hai, những người ở tuổi trung niên thường thiếu hoặc chậm cập nhật các kỹ năng mới. Trong thời đại hiện nay, công nghệ và cách thức làm việc thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng học hỏi liên tục. Việc không chủ động nâng cấp bản thân khiến nhiều người lao động trung niên rơi vào tình trạng lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu công việc và dẫn đến bị thay thế.
Thứ ba, những người trẻ thường có khả năng làm đa nhiệm, sử dụng công nghệ thành thạo, sẵn sàng làm thêm giờ và chấp nhận mức lương thấp hơn. Họ cũng có tinh thần cầu tiến, dễ đào tạo và sẵn sàng thay đổi, điều này giúp họ trở thành những người tiềm năng để thay thế thế hệ trung niên.
![]() |
Ông Lâm Minh Chánh chia sẻ về vấn đề "Mất việc ở tuổi trung niên" |
Doanh nghiệp có sai khi sa thải lao động vào tuổi trung niên?
Từ góc độ kinh doanh, theo ông Lâm Minh Chánh, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhân sự phù hợp để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc cắt giảm nhân sự trung niên không hẳn là sai, bởi mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp quá tập trung vào lợi nhuận mà bỏ qua quyền lợi của nhân viên lâu năm thì đó không phải là cách làm nhân văn. Cách tiếp cận hợp lý là thông báo trước, hỗ trợ nhân viên tìm việc mới hoặc đào tạo kỹ năng mới trước khi sa thải.
Dù vậy, cũng không ít doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự đột ngột, gây ra sự bất mãn và ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đến người lao động.
Cần chấp nhận sự thật và gạt bỏ sĩ diện khi mất việc
Nếu không may rơi vào tình trạng mất việc, chuyên gia Lâm Minh Chánh khuyên người lao động trung niên nên chấp nhận sự thật, chủ động tìm kiếm cơ hội mới thay vì suy nghĩ tiêu cực. Ông gợi ý một số việc cần làm như tham gia các nhóm tuyển dụng, kết nối lại với đồng nghiệp cũ và những người có thể giúp đỡ để tìm kiếm cơ hội mới; xem xét làm tư vấn, freelancer hoặc kinh doanh nhỏ để duy trì thu nhập; học thêm kỹ năng mới hoặc chuyển đổi ngành nghề nếu ngành cũ không còn phù hợp.
Đặc biệt, ông cho rằng quan trọng nhất là phải chấp nhận thực tế, gạt bỏ sĩ diện.
"Nếu cần thiết chúng ta phải sẵn sàng làm bất kỳ công việc gì, miễn là hợp pháp nào để vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Chánh thẳng thắn nhận định.
![]() |
Nhân vật trong bộ phim Upstream bị công ty sa thải sau 11 năm cống hiến |
Chuyên gia Lâm Minh Chánh lấy ví dụ về bộ phim Upstream, kể về một trưởng nhóm phần mềm bị công ty sa thải và buộc phải làm shipper để trang trải cuộc sống. Dù thu nhập không còn như trước, nhân vật chính vẫn lạc quan, điều chỉnh cuộc sống, bán căn hộ chung cư để chuyển về vùng ngoại ô sống thoải mái hơn. Đây là minh chứng cho tinh thần thích nghi, không sĩ diện và biết điều chỉnh tài chính để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nếu chưa mất việc, bạn cần chuẩn bị gì?
Theo vị chuyên gia, ngay cả khi đang có công việc ổn định, người lao động trung niên cũng không nên chủ quan mà cần có sự chuẩn bị trước để đối phó với rủi ro bị sa thải.
Ông khuyên mọi người cần liên tục cập nhật kỹ năng, học thêm về công nghệ, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ để đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động. Đồng thời đa dạng hóa nguồn thu nhập, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào lương mà nên tìm thêm các nguồn thu nhập khác như kinh doanh, đầu tư hoặc làm thêm công việc ngoài giờ. Ngoài ra, chúng ta cũng nên duy trì và mở rộng mạng lưới quan hệ giúp tăng cơ hội tìm kiếm công việc mới khi gặp rủi ro.
Khi mất việc, thay vì chỉ lo lắng và hoang mang, ông khuyên mọi người có thể tận dụng khoảng thời gian này để đọc sách, chăm sóc sức khỏe, thậm chí tạm rời xa mạng xã hội, tránh những lời bàn tán tiêu cực.
"Dù trong hoàn cảnh nào, sự chủ động và thái độ tích cực sẽ giúp mỗi người kiểm soát tốt hơn tương lai của mình", ông chia sẻ.
>>Chuyên gia lý giải: Vì sao hàng ngàn người rơi vào bẫy lừa đảo của Mr. Pips?