Sau giải phóng, xưởng may quy mô nhỏ với 65 máy may được tái thiết bởi sự đóng góp công sức của những người lính bước tiếp trên mặt trận sản xuất.
Nếu nói đến May Việt Tiến (mã chứng khoán: VGG), điều đầu tiên người tiêu dùng nghĩ đến là những chiếc áo sơ mi, những bộ vest thời trang công sở lịch lãm. Thế nhưng ít ai biết được lịch sử của May Việt Tiến: một xưởng may của người Hoa tại Sài Gòn do những người lính tiếp quản sau giải phóng.
Trở lại lịch sử, năm 1975 khi giải phóng, những người lính đến Sài Gòn để tiếp quản công việc. Có những công việc những người lính chưa từng kinh qua nhưng lại rất cần thiết để kiến thiết đất nước sau hoà bình. Do vậy, bà Nguyễn Thị Hạnh được Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp quản Thái Bình Dương kỹ nghệ công ty – vốn là một nhà máy tư nhân của người Hoa trước đây.
Nói thêm về Thái Bình Dương Kỹ nghệ, xí nghiệp này được thành lập bởi 8 cổ đông góp vốn do ông Sâm Hào Tài – một doanh nhân người Hoa làm Giám đốc. Ban đầu Xí nghiệp hoạt động trên khu nhà xưởng diện tích 1.513m2 với 65 máy may gia đình và khoảng 100 công nhân. Sau thống nhất, Nhà nước tiếp quản và quốc hữu hoá, giao Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý. Và bà Nguyễn Thị Hạnh được Nhà nước giao tiếp quản.
Sau khi tiếp quản, tháng 11/1976 đổi tên thành Xí nghiệp may Việt Tiến với ý nghĩa Việt Nam tiến lên. Đội ngũ công nhân lúc đó không nhiều, bà Hạnh – vị giám đốc đầu tiên của May Việt Tiến - đã mạnh dạn sử dụng những anh em bộ đội về chiến đấu tiếp trên mặt trận sản xuất. Chức năng ban đầu của May Việt Tiến là sản xuất các mặt hàng bảo hộ cho thị trường nội địa.
Đáng tiếc, thành quả gây dựng gần 5 năm sau khi tiếp quản đã bị ngọn lửa tháng 11/1979 thiêu rụi hoàn toàn. Thế nhưng nhờ ý chí của toàn thể CBCNV và sự giúp đỡ của Liên hiệp các xí nghiệp ngành may… Việt Tiến đã tái thiết, bước vào thời kỳ xây dựng lại nhà máy những năm 1980-1985.
Xây dựng xong nhà máy cũng là lúc đất nước chuyển mình sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Đây là thách thức, nhưng cũng mang theo nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp, xí nghiệp thời đó. May Việt Tiến cũng đặt mình vào bước chuyển biến này, mở rộng quy mô sản xuất nhờ những nguồn lực sẵn có. Những nhà máy, xí nghiệp thành viên bắt đầu được xây dựng.
Xí nghiệp may Tây Đô – nay là CTCP May Tây Đô là đơn vị thành viên đầu tiên được thành lập tại Cần Thơ với nhiệm vụ chính là sản xuất áo sơ mi, quần tây các loại.
Năm 1990 CTCP Đồng Tiến ra đời chuyên sản xuất áo jacket, quần các loại sang thị trường Hoa Kì, Nhật, Canada, Đài Loan…
Năm 1990, Bộ công nghiệp quyết định nâng Xí nghiệp thành Công ty May Việt Tiến (VTEC), đánh dấu bước chuyển mình mới.
Những năm sau đó, những xí nghiệp thành viên được lập ra, chuyên sản xuất những mặt hàng chuyên biệt: Xí nghiệp liên doanh sản xuất tấm bông PE, cửa hàng hợp tác chuyên cung cấp lắp đặt các thiết bị ngành may công nghiệp, công ty liên doanh về thêu, công ty liên doanh về sản xuất nút nhựa chuyên saản xuất các loại cúc áo, khắc hoa văn bằng máy laser…
Thậm chí đến năm 1994, xí nghiệp M&S VTEC hình thành chuyên cung cấp các dịch vụ khai báo các thủ tục hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa trong và ngoài nước.
Một trong những chiến lược kinh doanh của Việt Tiến được nhận thấy trong thời kỳ đổi mới là hình thành những liên doanh để nhanh chóng sản xuất những sản phẩm khác trong ngành may. Một ví dụ như là công ty may Tiền Tiến chuyên sản xuất quần áo nữ thời trang, công ty may xuất khẩu Việt Hồng chuyên sản xuất các quần áo thể thao…
Những năm sau của thập niên 199x, những chiếc sơ mi mang thương hiệu Việt Tiến đã xâm nhập thị trường xuất khẩu ra các nước Đức, Canada, Tiệp Khắc. Còn ở trong nước, thương hiệu sơ mi Việt Tiến đã dần chiếm lĩnh thị trường, để lại những dấu ấn lớn về ngành may mặc trong nước.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những công ty thành viên, chi nhánh, công ty con liên tục được thành lập để sản xuất những mặt hàng khác phục vụ thị hiếu người tiêu dùng như quần tây, quần kaki. Bên cạnh sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Việt Tiến, những công ty thành viên khác cũng được thành lập để may những sản phẩm hàng jacket và bộ đồ thể thao thương hiệu adidas.
Năm 2007, song song với việc hình thành liên doanh, thành lập loạt các công ty con, công ty cũng tiến hành hội nhập, xây dựng các kênh thương hiệu TT-up với các dòng thời trang cao cấp như San Sciaro, Manhattan…
Năm 2007 thực hiện chủ trương, May Việt Tiến được cổ phần hoá, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 1/2008. Vốn điều lệ ban đầu 320 tỷ đồng. Lần đầu công ty tiến hành tăng vốn điều lệ vào năm 2011, từ 230 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Những năm sau cổ phần hoá, May Việt Tiến liên tục đạt kết quả tăng trưởng mạnh về kinh doanh. Doanh thu từ mức 1.400 tỷ đồng năm 2008 đến trên 7.500 tỷ đồng vào năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng ở mức dưới 100 tỷ đồng nhanh chóng vượt 100 tỷ đồng vào năm 2009 và đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng vào năm 2016.
Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, tổng tài sản công ty cũng tăng theo thời gian, từ mức dưới 1.000 tỷ đồng thời điểm năm 2008 lên trên 3.800 tỷ đồng vào năm 2016.
Hoạt động kinh doanh chính của công ty thời gian sau cổ phần hoá là các mặt hàng may mặc và gia công các loại quần áo may sẵn. Các sản phẩm của Việt Tiến khá đa dạng, đứng đầu là các loại áo sơ mi, đến quần tây, veston, áo thun, jeans…
May Việt Tiến cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam thời đó định hình nhãn hiệu cho mỗi dòng sản phẩm khác nhau.
Nhãn hiệu Viettien được sử dụng cho các sản phẩm áo sơ mi, quần tây, quần kaki, veston mang tính chất nghiêm túc. Sản phẩm này hướng tới những người tiêu dùng có tính ít thay đổi, nghiêm túc.
TT-up là nhãn hiệu dùng cho các dòng sơ mi thời trang, quần kaki, áp thun, jeans, quần short, bộ đồ nữ… nhãn hiệu này hướng tới những người tiêu dùng trẻ tuổi, có lối sống hiện đại, ưa thích thời trang, luôn thích sự thay đổi.
San Sciaro là nhãn hiệu thời trang nam cao cấp mang phong cách Ý, đối tượng hướng tới là những người thành đạt, có địa vị, là những doanh nhân, nhà quản lý. Với đầy đủ sơ mi, quần tây, veston… với nguyên liệu đặc biệt cao cấp tạo nên cảm giác đẳng cấp vượt trội, sang trọng, lịch lãm.
Viettien Smartcasual là sản phẩm thuộc phân khúc bình dân, hướng đến lớp khách hàng nam giới làm việc văn phòng, làm nghề tự do nhưng mang tính năng động, trẻ trung, chú tâm vẻ bề ngoài.
Viettien Kids là nhãn hiệu sản phẩm phục vụ trẻ em với đa dạng kiểu dáng, màu sắc.
Ngoài ra thương hiệu Manhattan là thương hiệu thời trang nam cao cấp phong cách Mỹ dành cho doanh nhân, nhà quản lý, nhà lãnh đạo, những người thành đạt, sành điệu; những nhãn hiệu thời trang Converse mang phong cách cá tính, những nhãn hiệu nike mang phong cách thể thao, những đôi giày nhãn hiệu Skechers là những dòng sản phẩm thể thao phục vụ người tiêu dùng…
Việt Tiến còn có thương hiệu Việt Long là dòng thời trang nam dành cho những người lao động bình dân ở những khu vực thành thị và nông thôn.
Năm 2016, cùng với đà phát triển doanh nghiệp, May Việt Tiến quyết định đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán với mã VGG. Cơ cấu cổ đông thời điểm lên sàn của May Việt tiến có đến 1.864 cổ đông, trong đó 3 cổ đông lớn nắm giữ 71,98% vốn điều lệ.
Một trong những điểm hấp dẫn của May Việt Tiến thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn là những lô đất rộng lớn là cơ sở sản xuất kinh doanh mà công ty đang quản lý. Trong đó có những lô đất rộng hơn 21.600m2 tại Khu công nghiệp Bình An 1; lô đất rộng gần 31.600m2 tại Cần Thơ; lô đất rộng hơn 11.000m2 tại quận Tân Bình Thành phố Hồ Chí Minh; lô đất rộng hơn 18.100m2 tại Hóc Môn đang trong giai đoạn làm thủ tục thực hiện việc thuê đất…
Những doanh nghiệp từng trực thuộc Nhà nước, với những xí nghiệp quản lý những lô đất rộng lớn. May Việt Tiến cũng không ngoại lệ: là một doanh nghiệp ngành may lớn trong nước, lại quản lý khối đất đai khổng lồ.
Tình hình kinh doanh ổn định, lại có nhiều lợi thế đối với các doanh nghiệp trong ngành, đây có thể là những lý do khiến cổ phiếu VGG “hút” khách ngày lên sàn. Ngày 10/3/2016 toàn bộ 28 triệu cổ phiếu VGG chính thức lên giao dịch trên sàn chứng khoán với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù lựa chọn Upcom là sân chơi, nhưng cổ phiếu VGG vẫn thu hút nhà đầu tư, phiên chào sàn VGG tăng kịch trần 40% và còn tăng trần liên tiếp 2 phiên sau đó. Chỉ 4 phiên sau khi lên sàn, VGG đã tăng hơn gấp đôi, lên trên 84.000 đồng/cổ phiếu.
May Việt Tiến là số ít các doanh nghiệp không chạy theo đà tăng vốn ồ ạt. Từ khi cổ phần hoá đến nay công ty chỉ mấy lần tăng vốn điều lệ, tỷ lệ tăng không lớn. Từ mức vốn điều lệ 230 tỷ đồng thời kỳ cổ phần hoá năm 2006, đến nay vốn điều lệ công ty đạt 441 tỷ đồng.
Không chạy theo tăng vốn, trong khi kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng mạnh. Năm 2016 – năm đầu tiên khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, doanh thu công ty đạt trên 8.500 tỷ đồng. Thì năm 2018 đã đạt trên 9.700 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2016 đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng thì năm 2018 đạt gần 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy vậy năm 2018 cũng được xem là năm có doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Những năm 2019, 2020 và cả năm 2021 vừa qua. Thậm chí lợi nhuận sau thuế năm 2020 còn 151 tỷ đồng và năm 2021 xuống dưới 100 tỷ đồng.
Bên cạnh doanh thu, lợi nhuận tăng, tổng tài sản công ty cũng tăng đáng kể, đạt 5.500 tỷ đồng đến cuối quý 3/2022.
Nếu như năm 2021 kết quả kinh doanh giảm sút có thể lý giải là do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, thì những năm 2019, 2020 được công ty giải trình do các doanh nghiệp ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…
Đồng thời May Việt Tiến cũng ghi nhận tiêu chuẩn của khách hàng thường xuyên nâng cao nên Tổng Công ty phải luôn cải thiện. Sức mua của thị trường nội địa cũng đang giảm sút.
Một lý do nữa được May Việt Tiến đưa ra là do trong giai đoạn đầu tư mở rộng đã bộc lộ những khiếm khuyết về nguồn nhân lực, thiếu nguồn cán bộ cung cấp cho những dự án đầu tư mở rộng và các đơn vị thành viên.
Để khắc phục những khó khăn, May Việt Tiến đang từng bước đẩy mạnh các kênh phân phối. Đối với hàng nội địa tập trung sản xuất các thương hiệu truyền thống được người tiêu dùng tin tưởng.
Báo cáo ghi nhận cơ cấu thị trường năm 2021 cũng biến động mạnh: Thị trường Nhật Bản chiếm 23% (giảm 15%); thị trường Mỹ 25% (tăng 25%); thị trường EU 16% (tăng 23%) và các thị trường khác 36% (giảm 10%).
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 cải thiện rõ rệt với doanh thu thuần đạt hơn 5.800 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gấp 4,7 lần lên mức 138 tỷ đồng.
Trên thị trường cổ phiếu VGG hiện đang giao dịch quanh mức 36.800 đồng/cổ phiếu - giá đóng cửa phiên ngày 30/11/2022. Với mức giá này, vốn hoá thị trường của công ty đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.
---------
Chuỗi các bài viết Mỗi tuần tìm hiểu sâu một doanh nghiệp là nỗ lực của chúng tôi trong việc giúp nhà đầu tư hiểu rõ các thông tin về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cần chú ý, chúng tôi không chịu trách nhiệm trong việc nhà đầu tư sử dụng thông tin để đưa ra quyết định đầu tư cho mình.
Thêm 7 doanh nghiệp chốt trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ hàng chục % trong tháng cuối năm
Lãi lớn, May Việt Tiến (VGG) chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền tỷ lệ 15%