Doanh nghiệp 4.300 nhân sự chật vật giữ chân lao động, lãnh đạo lo nếu bị Mỹ đánh thuế 46% thì cả ngành sẽ phải đóng cửa
Dù đã tăng mức thu nhập cho công nhân viên lên bình quân 13 triệu đồng/người/tháng, ông lớn ngành dệt may này vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng "chảy máu" nguồn lao động. Chủ tịch U80 vẫn chưa tìm được người tâm huyết để kế thừa.
Kết thúc năm 2024, Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã VGG - UPCoM) ghi nhận dấu mốc lịch sử với doanh thu vượt mốc 9.717 tỷ đồng của năm 2018, cùng lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng – cao nhất kể từ giai đoạn đại dịch Covid-19. Dù vậy, kết quả này vẫn còn cách xa kỷ lục 477 tỷ đồng năm 2018.
Trải qua gần 50 năm phát triển từ một xí nghiệp tư nhân với 100 nhân sự, đến cuối năm 2024, Việt Tiến có tổng cộng 4.326 lao động. Thế nhưng, bước sang năm 2025, khó khăn mới đang đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp dệt may lâu đời này.
![]() |
Nguồn: BCTN 2024 của May Việt Tiến |
Khó khăn nhân sự: Từ xếp hàng xin việc đến chật vật tuyển lao động trên TikTok
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang (sinh năm 1954) thẳng thắn thừa nhận công ty đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, trong đó nổi bật là sự suy giảm lực lượng lao động.
"Người lao động bây giờ có rất nhiều quyền, sau 2–3 tháng làm việc có thể dễ dàng xin nghỉ. Tính ổn định đã không còn như trước – thời kỳ người lao động phải xếp hàng xin việc tại Việt Tiến", ông Giang nhấn mạnh đồng thời thông tin nguồn lao động được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn hiện nay trở nên khan hiếm. Tại nhà máy Thủ Đức, quy mô lao động từ 2.000–3.000 người trước kia hiện chỉ còn 800–900 người.
Thậm chí, để duy trì sản xuất, Việt Tiến phải tìm kiếm lao động thông qua các nền tảng online như TikTok. Tổng Giám đốc Bùi Văn Tiến cho biết: "Công ty giờ phải đi tuyển lao động bằng kênh online. Dù năm 2024 lương lao động đã tăng 8,1% so với năm 2023 (trung bình 13 triệu đồng/người/tháng) nhưng nhân sự vẫn giảm cả trăm người". Ngay đầu năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục mất thêm lao động, chủ yếu do chi phí sinh hoạt ở thành phố quá cao khiến người lao động phải về quê.
Không chỉ thiếu hụt nhân sự sản xuất, Việt Tiến cũng gặp khó trong đào tạo đội ngũ kế cận. Chủ tịch Vũ Đức Giang bày tỏ trăn trở: "HĐQT rất muốn đào tạo nhân sự kế thừa, nhưng hiện tại chưa thấy ai thực sự bám sát công việc và tạo ra sự khác biệt".
Trong bối cảnh thay đổi lớn về tổ chức sản xuất – từ mô hình “khách hàng tìm tới” sang “doanh nghiệp chủ động tìm khách” – thách thức nhân sự đang tạo ra áp lực cực lớn lên toàn bộ hệ thống Việt Tiến.
![]() |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến (ngoài cùng bên phải) |
Nỗi lo Mỹ áp thuế: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lớn nhất
Một mối lo khác phủ bóng lên triển vọng kinh doanh của Việt Tiến trong năm 2025 là rủi ro thuế quan từ Mỹ.
Theo Chủ tịch Vũ Đức Giang, thuế suất 46% được Mỹ đưa ra ban đầu nếu áp dụng thực sự sẽ khiến nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa. "Ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì doanh nghiệp đóng cửa hết, không ai bán hàng qua Mỹ được", Chủ tịch VGG nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Giang cho biết phía Việt Nam đã có những nỗ lực đàm phán. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với phía Mỹ và bước đầu có tín hiệu khả quan, khi Mỹ cân nhắc giữ mức thuế 10% cho nhiều đối tác, thay vì 46% như dự thảo ban đầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Tiến xác định năm 2025 sẽ là năm thận trọng. Doanh nghiệp xây dựng hệ thống sản xuất đủ cho doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng xin phép cổ đông chỉ đặt kế hoạch đi ngang và lợi nhuận kỳ vọng đạt khoảng 330 tỷ đồng.
Về thị trường xuất khẩu, Việt Tiến định hướng sẽ:
- Cân đối năng lực sản xuất để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký;
- Quy hoạch lại khách hàng cho từng đơn vị theo hướng chuyên môn hóa;
- Chủ động xúc tiến và đàm phán thêm với các đối tác tiềm năng cho năm 2025
Ngoài ra, trong nước, công ty cũng sắp khánh thành trung tâm kho và chi nhánh mới tại Hà Nội, như một phần trong kế hoạch củng cố mạng lưới phân phối nội địa.
"Cái gì sẽ diễn ra ngày mai chúng ta không thể đoán trước", Chủ tịch VGG nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Việt Tiến sẽ linh hoạt ứng phó trước mọi biến động từ thị trường quốc tế.
>> May Việt Tiến - Hành trình xây dựng thương hiệu từ xưởng may được những người lính tiếp quản