Qua giải đáp thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn cho Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (công nghiệp ICT), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã vạch định hướng, gợi mở cách làm giúp mở hướng phát triển cho đơn vị, lĩnh vực thời gian tới.
Chiều ngày 8/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (công nghiệp ICT) về kế hoạch hoạt động của đơn vị trong năm 2024.
Bộ TT&TT đã xác định sứ mệnh của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số là dùng công nghệ số để làm cho Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Không gian mới của lĩnh vực là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm ‘Make in Viet Nam’ - Làm chủ công nghệ, sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng gợi ý cách làm là học tập kinh nghiệm, bài học quốc tế trên cơ sở hiểu một cách thấu đáo.
Với phương châm ‘Làm gương’, Bộ trưởng cho biết, việc đưa ra những tư duy mang tính đột phá để thúc đẩy ngành phát triển nhanh sẽ do lãnh đạo Bộ làm và việc này đang được triển khai. “Trong lúc đang tập trung làm móng, nền, mà lại không có những tư duy mang tính đột phá thì ngành không nhanh được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với các việc gấp trong kế hoạch công tác năm 2024 được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và lãnh đạo Cục Công nghiệp ICT nêu ra tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra hướng xử lý, tháo gỡ cho từng việc.
Trọng tâm của hoàn thiện thể chế số năm 2024 là xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và 2 chiến lược: Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Chiến lược Công nghiệp công nghệ số - được xác định là những việc khó, thì Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ sẽ tham gia để xây dựng những phần cốt lõi nhất.
Đối với việc nghiên cứu chuyên sâu để phát triển ngành công nghiệp ICT, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục cách nhìn nhận, tư duy mới: Biến câu chuyện dài hạn thành ngắn hạn; câu chuyện 5 năm, 10 năm phải thành câu chuyện 1 năm. Khi đã khởi động đúng, dẫn dắt theo một đường hướng đúng và có thành tựu của 1- 2 năm đầu, thấy được tiếp tục theo hướng này sẽ về đích đề ra thì có thể coi như đã xong việc đó.
Trước băn khoăn làm sao để công việc tốt hơn khi đơn vị ít người mà nhiều việc, Bộ trưởng cho rằng, ít người tốt hơn nhiều người, và một đơn vị cần 10 người làm việc thì nên có từ 6 - 8 người. Khi nhiều việc thì cần tối ưu, rà soát để đề xuất loại bớt những việc không tạo ra giá trị; và đặc biệt là cần dùng công nghệ số để giảm tải cho các cán bộ, công chức, người lao động.
Nhấn mạnh công nghệ số giờ đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, sẽ giúp việc cho con người, Bộ trưởng phân tích: Dùng công nghệ sẽ giúp giảm được ít nhất 3 lần số việc. Năm 2024, không chỉ Cục Công nghiệp ICT, tất cả đơn vị trong Bộ TT&TT sẽ dùng công nghệ để giảm lượng 3 lần số công việc, ví dụ như sử dụng trợ lý ảo, một số công cụ tự động hóa, tự động báo cáo, tự động lấy số liệu, tự viết báo cáo, xây dựng tri thức, dữ liệu dùng chung.
Một số quan điểm, định hướng trong phát triển ngành TT&TT nói chung và công nghiệp công nghệ số nói riêng cũng được nhấn mạnh lại khi Bộ trưởng giải đáp thắc mắc của các cán bộ, công chức và người lao động của Cục Công nghiệp ICT. Đó là: Cần tập trung phát triển AI hẹp, AI dùng riêng; phải quản lý AI chung, công cộng để giảm thiểu rủi ro; quản lý nhà nước thì cần khởi động 1% việc để 99% còn lại ‘tự chạy’; sản phẩm Make in Viet Nam được thử thách, khẳng định thông qua việc tham gia cạnh tranh ở thị trường ngoại trước sẽ chinh phục thị trường trong nước thuận lợi hơn...
Về chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” - một định hướng của ngành TT&TT năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải thích điều quan trọng không nằm ở phần mềm hay phần cứng, “chìa khóa” ở đây là thay đổi cách tiếp cận. Thay vì kêu gọi các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số; năm nay ngành TT&TT sẽ đưa đội ngũ của mình, các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số đi làm ứng dụng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực.
Ngày thế giới kéo đến Việt Nam làm chip không xa vời
Nền tảng Internet nội so kè quyết liệt với Google, Facebook trên sân nhà