Mỏ kim cương lớn nhất thế giới có trữ lượng lên đến hàng nghìn tỷ carat, đủ để cung cấp cho thị trường toàn cầu thêm 3.000 năm
Trữ lượng kim cương tại đây ước tính lên đến hàng nghìn tỷ carat, tương đương hàng trăm nghìn tấn.
Khu vực rừng Taiga ở Siberia, Nga từ lâu đã nổi tiếng với các mỏ kim cương có trữ lượng khổng lồ, trong đó đáng chú ý nhất là mỏ kim cương tại hố thiên thạch Popigai với hàng nghìn tỷ carat kim cương.
Theo tiết lộ của Nikolai Pokhilenko - Giám đốc Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev ở Novosibirsk, khu mỏ này nằm trong miệng núi lửa có đường kính khoảng 100km, được tạo thành khi một thiên thạch lớn đâm xuống Trái Đất cách đây 35 triệu năm.
Nhiệt độ cao và áp suất lớn từ vụ va chạm đã ngay lập tức biến than chì trong đất ở Siberia thành những viên kim cương nhỏ có đường kính từ 0,5 đến 2mm, với màu sắc đặc trưng là ánh xám, xanh lam hoặc vàng.
Được biết, trầm tích Popigai thực tế đã được phát hiện vào đầu những năm 1970 tại một khu vực hẻo lánh ở phía Đông Siberia, cách thị trấn gần nhất là Khantiga 400km và cách thủ phủ Krasnoyarsk 2.000km về phía Bắc. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khu vực này ngay lập tức được coi là một nguồn khai thác và dự trữ của cải chiến lược của Liên Xô.
Theo các chuyên gia của Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev ở Novosibirsk, kim cương tại mỏ Popigai có độ bền cao gấp đôi so với kim cương sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, ông Pokhilenko cho biết, vào thời kỳ đó, Liên Xô đã ưu tiên xây dựng các nhà máy kim cương tổng hợp để giữ bí mật về sự tồn tại của khu mỏ này.
Trong bối cảnh hỗn loạn về kinh tế và ý thức hệ sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, thông báo về sự tồn tại của mỏ Popigai hầu như không nhận được chú ý. Đây cũng là lý do chính khiến mỏ kim cương này bị bỏ rơi và lãng quên suốt gần 30 năm, cho đến khi Viện Địa chất và Khoáng sản Sobolev tìm thấy nó một lần nữa.
Theo đó, trữ lượng kim cương trong miệng núi lửa Popigai ước tính lên đến hàng nghìn tỷ carat, tương đương hàng trăm nghìn tấn, gấp 10 lần tổng trữ lượng kim cương trên toàn thế giới. Trữ lượng này được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu kim cương của thế giới trong 3.000 năm. Tuy nhiên, do kích thước nhỏ và bề mặt thô ráp, kim cương ở Popigai không sử dụng trong chế tác đồ trang sức mà chỉ phù hợp cho các mục đích công nghiệp.