Đầu tháng 11/2023, tập đoàn khai thác dầu Murphy Oil (Mỹ) đã quyết định đầu tư cho dự án mỏ Lạc Đà Vàng của Việt Nam với quy mô 693 triệu USD.
Mới đây, trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) dự báo Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) có thể giành được hợp đồng thi công giàn xử lý trung tâm và các công trình phụ trợ trị giá khoảng hơn 100 triệu USD của mỏ dầu Lạc Đà Vàng.
Vào đầu tháng 11/2023, tập đoàn khai thác dầu Murphy Oil (Mỹ) đã ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án mỏ Lạc Đà Vàng của Việt Nam với quy mô 693 triệu USD và đặt mục tiêu khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên (First Oil) từ mỏ này vào năm 2026.
Ngoài ra, liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng vừa được chính thức trao gói thầu trị giá trên 1 tỷ USD cho dự án điện khí Lô B - Ô Môn. Dự kiến toàn dự án Lô B - Ô Môn sẽ sớm có FID trong nửa đầu năm 2024.
Theo ước tính của VCBS, trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ thi công cho dự án Lô B với khối lượng việc trị giá khoảng gần 100 triệu USD. Trong trường hợp FID của toàn dự án Lô B - Ô Môn được thông qua trong năm 2024, liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ đẩy mạnh hơn việc thi công dự án trong giai đoạn cuối năm 2024.
Trong một diễn biến liên quan, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vừa có chuyến công tác đến khu vực Trung Đông nhằm gặp gỡ các khách hàng, đối tác là các nhà thầu, chủ đầu tư lớn trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng như Qatar Energy, Qatar Gas, North Oil Company,…
Đặc biệt, công ty POS - đơn vị thành viên của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cùng với đối tác đã được Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, trao gói thầu CRPO 135 để hoán cải 3 giàn WHP, thay mới topsides, hoán cải Riser Platform. Trong đó, POS sẽ cung cấp dịch vụ đấu nối, chạy thử và hoán cải ngoài khơi.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có các hợp đồng tham gia các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất hơn 10 GW. Điển hình, giữa tháng 5/2023, công ty đã ký hợp đồng chế tạo và thi công 33 chân đế trụ điện gió cho dự án điện gió ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) có tổng công suất 920 MW do Ørsted Taiwan Ltd làm chủ đầu tư. Giá trị gói thầu này là khoảng 320 triệu USD. Đồng thời, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ký hợp đồng thi công 2 trạm biến áp trị giá trên 100 triệu USD cho Ørsted Taiwan Ltd.
Hiện nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang tiếp tục tham gia chào thầu các gói thầu điện gió ngoài khơi tại Đài Loan, Nhật bản, Châu Âu. Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng hưởng lợi trực tiếp từ Quy hoạch điện VIII với kế hoạch phát triển khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi Việt Nam cho đến năm 2030. Nhằm đón đầu các cơ hội trong mảng điện gió, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí vừa đầu tư 6 nhà xưởng mới dùng trong thi công chân đế điện gió với công nghệ hiện đại hơn so với các đối thủ trong khu vực. Vào tháng 8/2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã được cấp phép tiến hành khảo sát địa chất ngoài khơi Việt Nam nhằm chuẩn bị cho dự án điện gió ngoài khơi 2,3 GW để xuất khẩu điện sang Singapore.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức, với kinh nghiệm lâu năm trong triển khai các dự án dầu khí offshore, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ có lợi thế trong việc tham gia đấu thầu các công trình điện gió ngoài khơi vốn có yêu cầu cao về mức độ kỹ thuật phức tạp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp đã trúng thầu một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn nhất khu vực cũng sẽ tạo điều kiện thâm nhập dễ dàng hơn vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi toàn cầu.
> > Chuỗi dự án điện khí điện Lô B - Ô Môn "lên kệ": Lộ liên doanh đầu tiên trúng gói thầu tỷ đô