'Mỏ vàng' của TP. HCM được tái lập quyền: Trực tiếp được xử lý cấp phép, thẩm định...

19-04-2024 09:11|Thảo Đan

Trước khi tái lập quyền, các thẩm quyền tại đơn vị TP. HCM này được chuyển cho cơ quan chuyên môn thực hiện.

Ngày 16/4, bà Huỳnh Thị Ngọc Đào, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, khu công nghệ cao TP. HCM được giao thẩm quyền cấp phép môi trường, phê duyệt xây dựng các dự án, cùng với các thủ tục khác đang đề xuất phân cấp.

Theo đó, khi thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM, SHTP được tái lập thẩm quyền, trực tiếp xử lý cấp phép, thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Cơ quan này cũng được giao thẩm định, phê duyệt điều kiện xây dựng theo quy hoạch 1/500 các dự án đầu tư.

Các thẩm quyền này đã tái lập cơ chế một cửa tại chỗ về thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng dự án. Trước đây, SHTP trực tiếp thực hiện các nội dung trên nhưng do sự thay đổi các bộ luật chuyên ngành, các thẩm quyền này chuyển cho cơ quan chuyên môn thực hiện.

Cụ thể thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Điều này khiến thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng tiến độ các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao TP. HCM.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng khi chuyển về cơ quan liên ngành họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Lãnh đạo SHTP đánh giá, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển sản phẩm và ra thị trường nhanh. Thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư.

>> Phái đoàn Mỹ sắp đến, 'gà đẻ trứng vàng' của TP. HCM 'dọn tổ' thu hút FDI

Nhiều sai phạm tại Khu công nghệ cao TP HCM - VnExpress
Khu công nghệ cao TP. HCM

Khi thực hiện cơ chế mới, đến hết tháng 3, khu công nghệ cao TP. HCM đã giải quyết 18 hồ sơ cấp phép môi trường, 6 hồ sơ về thẩm định điều kiện xây dựng với các dự án.

Đại diện SHTP cho biết, đơn vị đang kiến nghị phân cấp cho Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM được giao thực hiện thủ tục về kiểm tra, xử phạt các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường; giám định, giải quyết sự cố với các công trình xây dựng trong SHTP...

Đơn vị này cũng đề xuất chuyển chức năng trong thành lập hội đồng, tổ chức thẩm định cơ sở khoa học công nghệ với các dự án đầu tư từ Sở Khoa học Công nghệ về SHTP.

Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM Nguyễn Anh Thi, cho biết Nghị quyết 98 và Nghị định 10 về Khu công nghệ cao mới ban hành xác lập khung thể chế để SHTP thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ. Đây là yếu tố quan trọng về thủ tục hành chính cho phép các dự án được triển khai nhanh tại SHTP với các lĩnh vực mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học... Ông cam kết đồng hành doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về thủ tục để các dự án sớm đi vào hoạt động.

Với tiềm năng mở rộng quỹ đất, cộng với khoảng cách gần khu vực nội thành TP. HCM, khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM được xem là "mỏ vàng" của thành phố, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI.

>> 'Nằm trên giấy' suốt 15 năm, dự án khu công nghệ cao tỷ USD tại Hà Nội sắp được 'hồi sinh'

'Toạ lạc' tại thành phố cửa ngõ phía Nam, khu công nghiệp nhỏ nhất Bình Dương sắp phải di dời

Thành phố đô thị vệ tinh của Thái Nguyên chính thức 'nâng cấp' lên đô thị loại II

'Thủ phủ' công nghiệp nằm ở cửa ngõ phía Nam TP. HCM sẽ là đầu tàu về logistics: Hé lộ loạt ưu thế làm 'bệ phóng'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mo-vang-cua-tp-hcm-duoc-tai-lap-quyen-truc-tiep-duoc-xu-ly-cap-phep-tham-dinh-231334.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Mỏ vàng' của TP. HCM được tái lập quyền: Trực tiếp được xử lý cấp phép, thẩm định...
POWERED BY ONECMS & INTECH